Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh có vai trò quan trọng, là một hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết để định hướng chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Thủ Đức.
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Thủ Đức.

Nhìn chung, công tác này đã được các trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng, quan tâm, và bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Sự phối hợp này đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối với việc chọn ngành, chọn nghề.

Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp học sinh vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, việc triển khai hướng nghiệp tại một số trường chưa đồng bộ, chưa tạo ra sự khác biệt để học sinh định hướng chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực của mình.

Công tác phân luồng học sinh theo học giáo dục nghề nghiệp chưa được đẩy mạnh, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông chủ yếu mong muốn đi học đại học, tỷ lệ học nghề còn thấp...

Những hạn chế nêu trên là do công tác hướng nghiệp tại nhiều trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Số cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường học chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên trách, chính quy, chậm ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động giảng dạy.

Ngoài ra, nhận thức của phụ huynh đối với việc học nghề chưa được đầy đủ, vẫn còn mang nặng tư tưởng muốn làm “thầy” hơn làm “thợ” mà không chú ý đến năng lực, sở thích của con em.

Làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông sẽ là tiền đề thúc đẩy phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp ngày càng hiệu quả, đồng thời tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố, hướng đến hội nhập khu vực và quốc tế.

Do đó, các trường học phổ thông và các đơn vị liên quan cần triển khai các giải pháp hữu hiệu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phân luồng giáo dục. Việc huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nghiệp… là cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục, đơn vị dạy nghề cần tăng cường đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Ngành giáo dục chú trọng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào chương trình các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đó là việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại gắn với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn, nhất là phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh.

Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; nhân rộng, biểu dương các mô hình giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở các trường, các địa phương, từ đó nhân rộng...