Hệ lụy khôn lường từ thẩm mỹ viện không phép

Thẩm mỹ viện không phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với cơ quan chức năng. Thực tế này đòi hỏi cần có thêm những giải pháp quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý các cơ sở này.
0:00 / 0:00
0:00
Những thẩm mỹ viện “ba không” ngang nhiên đón tiếp khách hàng.
Những thẩm mỹ viện “ba không” ngang nhiên đón tiếp khách hàng.

Vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch sau phẫu thuật thẩm mỹ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực hồi sức, cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Nạn nhân là phụ nữ 70 tuổi, được chuyển đến cấp cứu vào tối 13/3. Trước đó, chiều cùng ngày, người phụ nữ này đến một bệnh viện thẩm mỹ trên địa bàn thành phố để điều trị chảy xệ da mặt và thừa da mi dưới. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận ba trường hợp bị tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng: Một một phụ nữ hôn mê sâu sau khi thực hiện nâng ngực, gọt hàm, hạ gò má, nhổ răng khôn tại một bệnh viện đa khoa ở thành phố; một phụ nữ trẻ ngụ tỉnh Đồng Nai bị mù mắt sau khi tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp không phép và một nữ Việt kiều bị tai biến sau khi tiêm chất tan mỡ tại một spa ở Quận 7. Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại đơn vị này tăng qua các năm. Năm 2023: 608 ca, tăng 70 ca so với năm 2022, tăng 391 ca so với năm 2021 và tăng 200 ca so với năm 2020. Tại các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Trưng Vương, Da liễu… thực hiện cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ.

Liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ tai biến; thậm chí có trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở thẩm mỹ trái phép, không phép. Tuy nhiên, theo Sở Y tế thành phố, việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa quy định cụ thể về biển hiệu, dễ gây hiểu nhầm; hình phạt chưa đủ sức răn đe. Hằng năm, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra hàng trăm cơ sở và xử phạt vi phạm với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng; đồng thời, tước giấy phép hoạt động có thời hạn, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ hiện nay đang gặp khó. Nguyên nhân do các đối tượng thực hiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ lén lút tại các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon), các khách sạn và các cơ sở lưu trú (căn hộ, chung cư…). Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh không phép, hoạt động lén lút và có tính chất đối phó như thay đổi biển hiệu, giải thể cơ sở cũ thành lập cơ sở mới, đổi tên chủ sở hữu cơ sở…

Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%), 85% cơ sở còn lại là do Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy, có 6.489 cơ sở hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép; trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng...

Tình trạng quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động, quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, dễ gây cho người dân hiểu nhầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định an toàn. Hoạt động hậu kiểm đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức. Ngoài ra, hoạt động thẩm mỹ chui ngày càng tinh vi, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan quản lý nên rất cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ ■