Cụ thể, Danh mục dữ liệu mở của Thành phố Hồ Chí Minh gồm 111 dữ liệu thuộc 13 nhóm chủ đề: Giáo dục; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; khoa học; kinh tế; lao động; nông nghiệp; tài chính; văn hóa-du lịch; xã hội; xây dựng; y tế, sức khỏe; tư pháp.
Ở lĩnh vực giáo dục, người dân có thể tra cứu dữ liệu về danh sách các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như danh sách khối mầm non; danh sách trường tiểu học; danh sách trường trung học cơ sở; danh sách trường trung học phổ thông công lập, danh sách trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên… Ở lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, người dân có thể tra cứu danh sách văn phòng đại diện cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại thành phố; danh sách phóng viên thường trú hoạt động độc lập trên địa bàn thành phố...
Ngoài ra, đối với lĩnh vực giao thông, cập nhật dữ liệu vị trí các camera giám sát giao thông; dữ liệu các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn; dữ liệu các điểm trông giữ xe và giá dịch vụ; dữ liệu mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên tuyến, giá vé xe buýt; dữ liệu về số lượng cấp, đổi, thu hồi đăng ký các loại xe cơ giới; dữ liệu cấp mới giấy phép lái xe…
Ở lĩnh vực kinh tế, cập nhật dữ liệu về danh sách các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện dụng; dữ liệu về dự án đầu tư công; dữ liệu cung cấp thông tin xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo mặt hàng; dữ liệu cung cấp các thông tin về sản phẩm công nghiệp nông thôn của thành phố đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Lĩnh vực văn hóa và du lịch cập nhật các dữ liệu về các khu, điểm dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí; dữ liệu các địa điểm du lịch lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố…
Lĩnh vực y tế thông tin về các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP), chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế; dữ liệu về giá thuốc được cấp phép lưu hành…
Việc đưa vào hoạt động Danh mục dữ liệu mở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp người dân, các tổ chức, doanh nghiệp… dễ dàng tra cứu, truy cập các dữ liệu cần tìm. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu dữ liệu, tiếp cận thông tin, các đơn vị liên quan cần cập nhật phong phú dữ liệu lên Danh mục dữ liệu mở của thành phố một cách liên tục, kịp thời. Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề năm là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”. Theo đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh số hóa và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xử lý trên môi trường số nhằm nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công, thủ tục hành chính không giấy tờ.
Việc đưa vào hoạt động Danh mục dữ liệu mở là bước đi quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh tiến đến xây dựng chính quyền điện tử; qua đó, tạo sự minh bạch và giải quyết các thủ tục hành chính thông thoáng cho các cá nhân và doanh nghiệp.