Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc, nhiễm độc thực phẩm gia tăng về số lượng và mức độ khi liên tiếp xảy ra trường hợp tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Thức ăn bày bán ngoài đường phố có lợi thế tiện lợi, nhanh, rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thức ăn bày bán ngoài đường phố có lợi thế tiện lợi, nhanh, rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ðơn cử, vụ ngộ độc thực phẩm tại Chung cư Palm Heights, Thành phố Hồ Chí Minh khi cư dân tổ chức tiệc Trung thu, một cháu bé bị ngộ độc nặng và đã không qua khỏi. Sau đó, khoảng 50 trường hợp cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Ðặc biệt, có trường hợp không dự tiệc Trung thu tại chung cư nêu trên nhưng vẫn ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh.

Trước đó, tháng 5/2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sáu người (đều ngụ thành phố Thủ Ðức) ngộ độc botulinum; trong đó, năm trường hợp đã ăn bánh mì kèm một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn mắm để lâu ngày. Ngoài ba bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Ðồng 2, có hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một người đàn ông 45 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh.

Sau đó, nam bệnh nhân 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng. Mới đây, ngày 2/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi trước cổng trường...

Tại nhiều khu chợ tự phát, cổng trường học, vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để mua được các loại thực phẩm chế biến sẵn, bày bán bắt mắt đủ loại như bánh mì các loại, bánh tráng, giò chả, xôi, chè…. Khách hàng chủ yếu là người đi làm, học sinh, sinh viên… Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thời tiết nắng nóng kéo dài khiến vi khuẩn có hại phát triển nhanh làm thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng, gây ngộ độc.

Trong quá trình sản xuất, chế biến, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ đúng quy định của cơ quan chức năng. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh... Ðiều đáng lo ngại là một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng nhưng vì lợi nhuận vẫn cung cấp đến khách hàng, gây nguy hiểm tới sức khỏe; thậm chí, dẫn đến tử vong cho người tiêu dùng…

Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, các sở, ban, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc liên quan tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật và truy tố hình sự một số trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn một số bất cập; đó là, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Thanh tra theo kế hoạch có hạn chế, mỗi cơ sở chỉ thanh tra tối đa một lần trong năm. Ngoài ra, các khu chợ dân sinh, chợ tự phát vẫn còn hoạt động mà chưa thể dẹp bỏ. Vừa qua, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Ðể đơn vị này đi vào hoạt động hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong hoạt động quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời có chế tài đủ sức răn đe đối với những trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dung.