Ngoài ra, trong năm 2023, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại thành phố đã thu hút 44% lượng vốn đầu tư và 60% số thương vụ của cả nước; hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 2.586 doanh nghiệp; ươm tạo phát triển 308 dự án, trong đó có 27 đơn vị được đăng ký tài sản trí tuệ; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Thành phố có 1.871 lượt doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong năm 2023, thành phố đã công bố 107 bài báo, sách chuyên khảo trên các tạp chí trong nước và quốc tế; đào tạo được 32 chuyên gia trình độ thạc sĩ và 14 chuyên gia trình độ tiến sĩ.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố vẫn còn hạn chế như: Chất lượng hỗ trợ của các chính sách Nhà nước chưa cao, năng lực các cơ sở trung gian (của Nhà nước) hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp, các chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo chưa thật sự chất lượng...
Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Vào tháng 11/2023, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết số 20/NQ/HĐND về Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 20/NQ/HĐND là các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của thành phố và tổ chức, cá nhân khác thuộc các lĩnh vực: Thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng... Mức kinh phí hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn của dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo: Tiền ươm tạo là 40 triệu đồng/dự án (không quá 6 tháng), ươm tạo là 80 triệu đồng/dự án (không quá 12 tháng), tăng tốc là 400 triệu đồng/dự án (không quá 12 tháng). Bên cạnh đó còn có các chính sách ưu đãi đặc thù khác, tùy từng dự án.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, thành phố đặt mục tiêu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp; ươm tạo, phát triển 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khoảng 35% tổng số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học-công nghệ và số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng từ 8% đến 10% so với năm 2023... Để đạt được các mục tiêu này, thành phố đề ra nhiều giải pháp; trong đó chú trọng việc phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo các chuyên gia, thành phố cần sớm xây dựng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình quốc tế; phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học-công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm... Bên cạnh đó, thành phố sớm có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong lĩnh vực này. Trước mắt, thành phố nhanh chóng hoàn thiện, ban hành cơ chế hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo thành phố nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nói riêng và cả nước nói chung ■