Nhắc đến vụ bạo hành bé gái N.T.V.A. (13 tuổi) ngụ chung cư Saigon Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh) bị người tình và bố ruột đánh đập, hành hạ nhiều ngày liền dẫn đến thương tích nghiêm trọng, nhiều người chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ. Vì bị thương tích quá nặng, khi người nhà đưa đi cấp cứu, bé gái này đã không qua khỏi. Tòa án đã tuyên các mức án thích đáng đối với hai bị cáo này nhưng vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông về nạn bạo hành trẻ em.
Cũng liên quan trẻ em, mới đây, đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) đã bị các cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”. Trước đó, khi thấy mẹ của hai bé không quan sát con mình khi đang bán kẹo ở Quận 1, Vi đã dụ dỗ các cháu đi theo mình rồi dẫn về nhà và tạm giữ các cháu nhiều ngày nhằm thực hiện các hành vi phi pháp.
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, trên địa bàn xảy ra 186 vụ với 196 nạn nhân (57 nam, 139 nữ) liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó, có 155 vụ xâm hại tình dục và 16 vụ liên quan bạo lực, bạo hành. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, thành phố xảy ra 45 vụ với 46 nạn nhân, tỷ lệ các hành vi liên quan xâm hại tình dục chiếm đến 40 vụ.
Đáng nói, các số liệu thống kê tuy có giảm so với năm 2022, nhưng cơ quan chức năng vẫn đưa ra cảnh báo về nguy cơ xâm hại trẻ em đang có dấu hiệu ngày càng tăng. Thậm chí, nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng không bị phát hiện. Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 và phần lớn là trẻ em gái.
Các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, sức khỏe trẻ em cảnh báo, nhằm đạt được mục đích, các đối tượng đã và đang lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những hành vi, thủ đoạn của mình. Vì lo sợ khi nhiều hình ảnh nhạy cảm bị lộ nên nhiều trẻ phải chịu đựng và bị “hành hạ” suốt một thời gian dài. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1,9 triệu trẻ dưới 16 tuổi; trong đó, có hơn 9.800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 25.503 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là các đối tượng cần có những giải pháp bảo vệ hiệu quả nhằm chủ động ngăn chặn các hành vi gây tổn tại đến tâm hồn và cơ thể cho các em.
Do đó, các cơ quan chức năng, sở, ngành cần triển khai bền vững và hiệu quả các chiến lược truyền thông, đặc biệt là trong môi trường giáo dục để các em nhận thức về an toàn mạng, những hành vi xâm hại tình dục và biện pháp phòng chống. Công tác này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội để góp phần tuyên truyền, cảnh báo đến các bậc cha mẹ, gia đình có con nhỏ trước các nguy cơ xảy ra.
Từ những thực trạng đã cảnh báo, các bậc cha mẹ cần chủ động tìm hiểu kiến thức để trò chuyện, hỗ trợ, chỉ dạy để con trẻ sớm nhận biết và phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bóc lột,…
Các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác về phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, bạo lực gia đình và phòng chống mua bán người.