Ổn định thị trường vàng

Từ cuối năm 2023 tới nay, khi vàng trong nước “sốt giá”, thậm chí có thời điểm giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới từ 18 đến 20 triệu đồng/lượng, Thủ tướng Chính phủ liên tục phát đi nhiều công điện, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, ổn định thị trường vàng.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Những diễn biến trên thị trường vàng xuất phát từ việc giá vàng thế giới trong thời gian qua có nhiều biến động và có xu hướng tăng cao, nên giá vàng trong nước cũng leo thang. Cùng với đó, nguồn cung vàng trong nước chưa đủ cầu cũng khiến giá vàng trong nước tiếp tục chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế. Việc người dân và doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào vàng khiến tình trạng khan hiếm vàng càng tăng thêm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra ba nhóm giải pháp là tiến hành đấu thầu vàng miếng để tác động nguồn cung; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Song song đó, cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện chặt chẽ chứng từ kế toán đúng quy định về hóa đơn và triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử để bảo đảm công khai, minh bạch trong các giao dịch mua, bán vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức các phiên đấu thầu để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế và ổn định tâm lý người dân. Tuy nhiên, sau nhiều phiên đấu giá, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa được khắc phục, nguồn cung vàng chưa đáp ứng đủ nhu cầu mua của khách hàng…

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện thị trường vàng; xem xét, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, nhất là quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP để có những điều chỉnh nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc cân đối cung-cầu thị trường vàng trong nước. Liên quan đến công tác kiểm tra, quản lý thị trường vàng, tính đến ngày 14/5, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn và đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đã xử phạt 21 vụ với số tiền là 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường thành phố lên kế hoạch tiếp tục kiểm tra các cửa hàng vàng theo đúng trình tự thủ tục theo quy định, khi phát hiện các hành vi vi phạm thì sẽ ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Những diễn biến bất ổn kéo dài của thị trường vàng trong thời gian qua càng cho thấy vai trò của công tác truyền thông và thông điệp điều hành của cơ quan quản lý giúp định hướng hành vi đầu tư người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần có những phân tích, so sánh cụ thể để người dân nhận thấy đầu tư vàng tại thời điểm này có mang lại lợi nhuận cao không? Trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn, nhưng cũng khá nhiều rủi ro. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư vào vàng. Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung đầu tư vào vàng. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh: Cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là những thời điểm giá vàng thế giới và trong nước biến động. Cơ quan chức năng cần thông tin đầy đủ đến khách hàng, người dân nhằm hạn chế và tránh yếu tố tâm lý tác động gây ảnh hưởng đến thị trường. Trong quá trình đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố yêu cầu các điểm kinh doanh trao đổi và cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, về tình hình giá cả và cung-cầu thị trường để phối hợp làm tốt công tác truyền thông để ổn định thị trường vàng ■