Tăng quyền lợi thực chất về chính sách bảo hiểm xã hội

Hai phương án rút Bảo hiểm xã hội một lần trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vẫn còn là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động thành phố cũng như dư luận xã hội, cần được các cơ quan thẩm quyền tham mưu để Quốc hội lựa chọn được phương án tối ưu nhất. Đây là Dự thảo Luật quan trọng, liên quan đến tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ người lao động.
0:00 / 0:00
0:00

Theo đó, đối với phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm, gồm: Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13); nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần tối đa không quá 50% tổng số thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Một giám đốc doanh nghiệp may mặc đóng tại quận Bình Tân dẫn chứng: “Trên thực tế, không ít người lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu từ hai đến ba triệu đồng, do cách tính tiền lương hưu của người lao động hiện nay là bình quân cả quá trình đóng Bảo hiểm xã hội cho nên rất thấp, không đủ sống. Trong khi đó, người làm việc trong khu vực nhà nước thì có nhiều mốc để tính lương hưu.

Vì thế, nhiều người lao động có nhu cầu nhận Bảo hiểm xã hội một lần thay vì phải chờ đợi quá lâu mới đủ độ tuổi để nghỉ hưu”. Tương tự, Chủ tịch Công đoàn một công ty chuyên xuất khẩu da giày đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận chia sẻ: Với đặc thù ngành giày da, may mặc cho nên người lao động không trụ được lâu. Người lao động ở độ tuổi trên 50 tại công ty rất ít sau độ tuổi này sức khỏe người lao động không bảo đảm vì vậy, họ chuyển ngành nghề khác hay về quê sinh sống; do đó, lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần mà không chờ nhận lương hưu là thực tế không thể tránh khỏi.

Ghi nhận thực tế thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người lao động lo lắng khi Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua sẽ ảnh hưởng quyền lợi, cho nên xin nghỉ việc sớm để nhận Bảo hiểm xã hội một lần. Đồng thời, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều lao động bị mất việc, hoãn việc, giãn việc dẫn đến thu nhập sụt giảm, rất nhiều trường hợp phải “dịch chuyển” về quê sinh sống. Đó cũng là nguyên nhân cốt yếu khiến người lao động quyết định nhận Bảo hiểm xã hội một lần.

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều chuyên gia cho rằng: Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất việc người lao động phải lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, thì dù lựa chọn phương án nào, Chính phủ cần sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được vay vốn tín dụng theo các cơ chế, chính sách đặc thù khi gặp khó khăn.

Cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm để duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần.