Cần xử lý nghiêm hành vi vẽ bẩn nơi công cộng, nhà dân

Tình trạng vẽ bẩn, xâm phạm các công trình xây dựng, tàu khách, trạm chờ xe buýt..., kể cả tường nhà dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây đã khiến nhiều người dân bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Chân cầu Nguyễn Tri Phương, Quận 5 bị vẽ bẩn . (Ảnh THẾ ANH)
Chân cầu Nguyễn Tri Phương, Quận 5 bị vẽ bẩn . (Ảnh THẾ ANH)

Mới đây, ngày 8/6, Công an phường Bến Thành (Quận 1) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng đối với một người nước ngoài do có hành vi vẽ bẩn lên cửa nhà một hộ dân trên đường Nguyễn Du.

Hành vi này được Tổ công tác 363 Công an Quận 1 phát hiện trong lúc tuần tra địa bàn, đồng thời qua clip của một tài xế xe công nghệ lưu thông trên đường ghi lại cung cấp cho lực lượng công an. Người đàn ông có quốc tịch New Zealand khai nhận, đã phun sơn lên cánh cửa cuốn để vẽ graffiti (vẽ tranh đường phố) và thừa nhận hành vi của mình là sai. Công an cũng buộc người này khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục tình trạng ban đầu đối với cửa nhà dân nói trên.

Một vụ việc tương tự, dùng phun sơn vẽ graffiti lên một số toa tàu chuẩn bị chạy thử nghiệm thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên khi đoàn tàu đậu ở depot Long Bình, thành phố Thủ Đức, được phát hiện vào tháng 4/2023. Điều đáng nói, đây là tải sản công, được lưu đỗ ở khu vực riêng có đội ngũ bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng nhóm người thực hiện hành vi phá hoại vẫn cố tình vi phạm. Sau hai tháng điều tra xác minh, tháng 6/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác định thủ phạm vẽ bẩn lên đoàn tàu Metro số 1 là hai người nước ngoài, trong đó, một người có quốc tịch Belarus, làm nghề vẽ tranh graffiti bằng sơn trên đường phố, người còn lại tham gia vẽ chung nhưng chưa rõ lai lịch.

Tháng 7/2023, cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2) cũng bị sơn vẽ bẩn nhưng không xác định được người vi phạm; cơ quan chức năng sau đó phải dùng nhiều loại dung môi mới có thể xóa sạch. Đi trên các hè phố, tuyến đường, mọi người không khó để nhìn thấy hình ảnh các trạm biến áp, tủ điện, nhà chờ xe buýt bị bôi vẽ với nhiều hình thù, màu sắc nhem nhuốc, gây mất mỹ quan nhưng hiếm khi xác định được người thực hiện hành vi vi phạm.

Bức xúc vì bản thân là “nạn nhân” của nạn vẽ bẩn, bà Cẩm Thanh, ngụ Quận 3 cho biết: Do nhà bà ở tuyến hẻm vắng nên đối tượng hay tranh thủ ban đêm sơn xịt lên tường, cổng khiến gia đình bà nhiều lần vất vả xóa bỏ các hình vẽ bẩn đó. Với hành vi này, theo bà Thanh cơ quan chức năng phải xử lý thật mạnh tay, tăng mức phạt gấp 3-4 lần so với quy định; đồng thời, cần lập tổ tuần tra để bắt quả tang mới đủ sức răn đe.

Thực tế cho thấy, thủ phạm vẽ bẩn, xâm phạm các công trình ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài, nhất là khách du lịch. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần tuyên truyền các quy định, chế tài đối với những hành vi vi phạm này đến các cơ sở lưu trú, khách sạn để du khách nước ngoài nắm bắt, tuân thủ luật pháp, quy định của Việt Nam.

Cần có cơ chế tái xử phạt nếu người vi phạm là người nước ngoài chưa thực hiện nộp phạt hoặc khắc phục mà vẫn xuất cảnh khỏi Việt Nam. Nhìn chung, phải xem việc xâm phạm tài sản công là tội phá hoại, từ đó các cơ quan chức năng áp dụng hình thức phạt thật nặng, bắt những người vẽ bẩn phải lao động công ích, thậm chí bắt giam để răn đe.

Đồng thời, lực lượng công an tăng cường tuần tra, trích xuất hành vi vi phạm từ camera, phát công khai đoạn video xử phạt để răn đe những người có ý định tương tự, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị thành phố văn minh, hiện đại.