Người thổi hồn cho những cây đàn tính

Nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Phú ở thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, là người nổi tiếng làm nên những cây đàn tính thấm đẫm hồn cốt của người dân nơi đây. Căn nhà khang trang nằm giữa thung lũng có nhiều mảnh ruộng lúa xanh rì đương thì con gái, vừa đến đầu ngõ chúng tôi đã thấy nghệ nhân Lương Thiêm Phú đang cặm cụi với những cây đàn bé xinh bằng ngón tay. Thấy chúng tôi, ông ngừng tay vui vẻ mời chúng tôi vào nhà uống trà và trò chuyện.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Phú bên những cây đàn tính.
Nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Phú bên những cây đàn tính.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang thơm nồng hương lúa đang trổ đòng đòng, nghệ nhân Lương Thiêm Phú cho biết, ngay từ khi còn nhỏ ông vẫn cùng người lớn đi xem và nghe biểu diễn hát then. Ông nhẩm hát theo và lâu dần cũng thuộc và biết hát. Thấy ông thích hát then, những người già trong thôn đã chỉ cho cách hát nhấn nhá luyến láy, ngân giọng và dạy cho nhiều bài hát mới. Lớn hơn chút, khoảng hơn 20 tuổi thì ông bắt đầu tập sáng tác các bài hát then mới.

Một thời gian dài, do đời sống kinh tế khó khăn cùng những lý do này khác cho nên các câu then cổ đã mai một đi nhiều. Vì hát then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, ông cứ băn khoăn nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một. Năm 2007, ông đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát then Tình Húc do ông làm chủ nhiệm gồm 18 thành viên ban đầu. Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thường kỳ hằng tuần, phần lớn thời gian rảnh thì tự đến từng thôn, bản để truyền dạy cho lớp trẻ có đam mê hát then. Ông còn dành thời gian cho việc dạy hát then cho các lớp ở các địa phương khác. Đến nay, ông Phú đã sưu tầm được sáu bài then cổ, sáng tác được hơn trăm bài hát then mới, mở được 16 lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho 360 người ở nhiều địa phương.

Vừa sưu tầm, vừa truyền dạy hát then, ông còn tự mày mò mua vật liệu về để sản xuất những cây đàn tính hai dây. Sản phẩm đàn tính của ông đã bán được cho khách du lịch và những người yêu đàn tính, yêu điệu hát then. Không chỉ làm đàn tính để biểu diễn, ông còn làm những chiếc đàn tính nhỏ xinh phục vụ nhu cầu khách du lịch đến Bình Liêu.

Làm đàn tính đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ, kiên nhẫn. Một cây đàn tính gồm có hai phần thân và bầu đàn. Trước tiên, để làm cần đàn phải chọn cây gỗ không bị sâu mọt, thẳng, dai, chắc khi dùng không bị cong. Loại cây thường được ông lựa chọn là boóc láp (tiếng Tày). Cây mang về phải trải qua các công đoạn: phơi khô, bào nhẵn, đẽo, khắc hoa, đục, dùi lỗ để căng dây, sau đó lấy giấy ráp đánh thật trơn, sơn 2 lớp. Ngoài ra, để có bầu đàn ưng ý, ông thường tự tay trồng và chăm sóc cây bầu, làm giàn cẩn thận để quả tròn và đẹp. Khi quả già sẽ hái về, xử lý kỹ càng rồi đo độ cao, rộng, khoét lỗ thoát âm thanh, đục lỗ để cho thân đàn tính vào. Trung bình một ngày ông có thể làm được một cây đàn tính (không tính thời gian chọn cây làm thân và bầu).

Hiện nay số người biết làm đàn tính ở Bình Liêu còn rất ít, hầu hết là người cao tuổi. Nếu tính về kinh tế thì lợi nhuận kiếm được không cao, do đó thế hệ trẻ không mặn mà với nghề này. Vì thế, nếu ai có ý định học làm đàn thì ông sẵn sàng truyền nghề ngay với mong muốn lưu giữ loại nhạc cụ dân tộc truyền thống này cho thế hệ sau.

Mặc dù thu nhập từ tiền bán đàn không đáng là bao nhưng nghệ nhân Lương Thiêm Phú vẫn kiên trì giữ nghề, ông mong rằng có nhiều người biết đến cây đàn tính, biết đến điệu hát then của người Tày Bình Liêu. Hạnh phúc của tuổi già không gì vui hơn là được truyền dạy cho các con cháu nhớ về câu hát của cha ông. Với niềm đam mê và cống hiến của mình trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, ông Lương Thiêm Phú được Chủ tịch nước tặng bằng khen và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Cả một cuộc đời nghệ nhân Lương Thiêm Phú đã đam mê, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn những giá trị văn hóa. Ông chính là người thổi hồn cho những cây đàn tính ở vùng cao Bình Liêu.