Ngân hàng mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo, ngành Ngân hàng đã có những thành tựu đáng kể trong thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Những thành tựu đó là động lực, song cũng là sức ép khiến các ngân hàng tiếp tục phải cho ra đời những “phiên bản” hiện đại, tiện ích nhất của sản phẩm số.
Ngân hàng mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Cuộc rượt đuổi không ngừng nghỉ

Công bằng mà nói, việc theo đuổi những mục tiêu trong hành trình số hóa ngân hàng không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, xã hội mà chính các ngân hàng đã, đang gặt hái quả ngọt từ chuyển đổi số, khi hơn 90% số sản phẩm, dịch vụ có thể thực hiện trên môi trường số hóa. Ứng dụng công nghệ không chỉ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, nhanh nhất mà còn giúp ngân hàng tiết giảm mạnh chi phí hoạt động.

Đơn cử, với rất nhiều sản phẩm số hóa, điện thoại thông minh đã trở thành những ngân hàng thu nhỏ mà không mất chi phí đầu tư cơ sở vật chất và duy trì chi nhánh, điểm giao dịch hiện hữu. Mobile banking cung cấp từ sản phẩm đơn giản nhất là thanh toán các hóa đơn, gửi tiết kiệm... đến những sản phẩm phức tạp hơn như thẩm định khoản cấp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi dòng tiền thu-chi từ các đơn vị thành viên... Thậm chí, nhờ số hóa, các ngân hàng đã thiết kế, may đo những sản phẩm, dịch vụ riêng biệt cho từng nhóm, từng cá nhân khách hàng.

Khách hàng hài lòng và sẵn sàng sử dụng những “combo” sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số khiến ngân hàng càng tiết giảm được nhiều chi phí. Thí dụ, chỉ riêng những tiện ích từ dịch vụ thanh toán ngân hàng đã khiến khách hàng để lượng tiền rất lớn trên tài khoản thanh toán - tạo thành nguồn vốn lớn với chi phí thấp cho ngân hàng.

Và đây chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng chạy đua đưa ra các sản phẩm, dịch vụ nhằm không ngừng nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA). Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và mã QR giai đoạn 2017-2023 đạt hơn 100%/năm. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Không chỉ dịch vụ thanh toán, trong nhiều trường hợp ngân hàng còn biến mình thành “đường link” kết nối các khách hàng với nhau, là cơ hội để chính doanh nghiệp và bản thân ngân hàng mở rộng tệp khách hàng, mở rộng thị phần.

Với mô hình ngân hàng mở, dịch vụ của ngân hàng không chỉ tồn tại trên kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà còn được “nhúng”, tích hợp trên các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số của bên thứ ba, đem đến sự đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.

Đơn cử, có giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Ngân hàng BIDV không chỉ cung cấp những giải pháp tài chính cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán, kinh doanh và quản lý tài chính trên không gian số mà còn có tham vọng tiếp tục mở rộng các gói API mới cho các dịch vụ tài trợ thương mại, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp trung tâm và các nhà phân phối, nhà cung cấp.

Trong khi đó, Agribank tự tin triển khai các sản phẩm số nổi trội: Giao dịch rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip; rút tiền bằng QR Code trên máy ATM không cần thẻ; dịch vụ ngân hàng số đa kênh dành cho khách hàng doanh nghiệp Agribank Corporate Ebanking; trục thanh toán Agribank Payment Hub; dịch vụ OPEN API và hệ thống thu thập, quản lý xác thực và làm sạch dữ liệu khách hàng.

Còn Techcombank ứng dụng hệ sinh thái ngân hàng số (ecosystem) để tích hợp với các cổng dịch vụ công quốc gia như Tổng cục Thuế để thanh toán thuế, tích hợp với Tổng cục Hải quan để thanh toán phí hải quan và cảng biển; tích hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để thanh toán phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO) qua hình thức thanh toán QR…

Không chỉ những ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính mới số hóa nhanh mà các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng nỗ lực hết mình trên đường đua số hóa. Nam Á Bank là một thí dụ. Đây là ngân hàng đầu tiên có Robot OPBA phục vụ khách hàng, cùng với đó là hệ sinh thái ngân hàng số với nhiều sản phẩm, dịch vụ như: ONEBANK, Open Banking...

Vượt lên chính mình

Số hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng cũng đã góp phần tạo nền tảng để số hóa nền kinh tế, từng bước tiến đến xã hội số. Một trong những điểm nhấn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia là việc ngành ngân hàng đã phối hợp Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án số 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng.

Đến nay, đã có 48 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 tổ chức tín dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp tại quầy giao dịch; 14 tổ chức tín dụng đang ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch…

Các ngân hàng cũng đang hoàn thiện giải pháp công nghệ, quy trình nghiệp vụ để nhận chi trả an sinh xã hội, thanh toán tiền điện, nước, giúp tiết kiệm chi phí khoảng 95 tỷ đồng/tháng. Chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu.

Với các chính sách của Chính phủ, định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan và sự vào cuộc của các ngân hàng, hệ sinh thái tài chính số sẽ tiếp tục được mở rộng, mang đến các sản phẩm dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ...

Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển thăng hoa, chuyển đổi số ngành ngân hàng bắt đầu khó khăn hơn, bởi họ phải vượt qua chính mình bằng những “phiên bản” sản phẩm số tốt hơn nữa. Muốn làm được như vậy các ngân hàng cần có sự kết nối, đồng bộ với nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đơn cử, việc khai thác dữ liệu quốc gia đã hỗ trợ ngân hàng nhanh chóng xác thực khách hàng để cung cấp những giao dịch tính bằng giây.

Nhưng thực tế tình trạng manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu của các bộ, ngành, lĩnh vực khác; và việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích về mặt kỹ thuật khiến triển khai định danh và xác thực điện tử thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm.

Hay về pháp lý, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng chịu sự chi phối, điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thường xuyên rà soát, ban hành, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp quy định mới, khiến các ngân hàng thương mại cũng phải liên tục cập nhật, điều chỉnh quy định trong họat động kinh doanh để không phạm luật.

Nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số cũng là thách thức đối với các ngân hàng khi nhân viên ngân hàng không chỉ tinh thông nghiệp vụ mà phải có am hiểu nhất định về công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, luôn nhắm vào lĩnh vực tài chính-ngân hàng với nhiều chiêu trò lừa đảo, đánh cắp thông tin, dữ liệu, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, khiến ngành ngân hàng luôn bị đặt trong yêu cầu cấp thiết của khách hàng: tiện ích nhưng phải an toàn, bảo mật khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Tiên phong xây dựng hệ sinh thái số toàn diện

“Với vai trò như một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, khi các ngân hàng đầu tư đồng bộ cho phát triển số hóa sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành ngân hàng một cách toàn diện, đem lại lợi ích lớn hơn cho cả cộng đồng và người dân.

Tuy nhiên, với mỗi ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số sẽ có mục tiêu riêng, dựa trên thế mạnh của mình để có chiến lược phát triển phù hợp và khác biệt. Với TPBank, việc sớm lựa chọn chiến lược chuyển đổi số và phát triển nhanh ngân hàng số giúp tạo ra được hệ sinh thái số toàn diện, từ đó đạt được những thành tựu nhất định và truyền thêm động lực để các ngân hàng khác cũng tham gia vào “cuộc đua” chuyển đổi số”.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng