Năng suất lao động và AI Để không ai bị bỏ lại phía sau

Năm 2024 là một năm rất đặc biệt khi nhắc tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc ở cấp độ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, lĩnh vực AI tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỷ đồng vào năm 2030. Dự báo, AI sẽ còn phát triển, thâm nhập sâu và mạnh mẽ hơn trong năm 2025, lan rộng tới mọi ngóc ngách trong đời sống.
Sinh viên học tập tại phòng lab của Samsung và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip (Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI
Sinh viên học tập tại phòng lab của Samsung và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip (Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI

Trên phương diện công nghệ, hiện AI đã đạt tới cấp độ nghe, nhìn, nói, viết, đại diện ở đây là các công nghệ của GPT-4o, Gemini và mới đây là mô hình o1 có khả năng suy luận và giải toán, lập trình, thậm chí đã vượt qua mức độ chính xác của con người ở cấp tiến sĩ trong các bài kiểm tra về vật lý, sinh học và hóa học.

Nó tạo nên một cuộc cách mạng về kỹ năng số, tác động sâu rộng tới hiệu suất, góp phần quan trọng cải thiện kỹ năng cá nhân của nhiều thế hệ, không những cho cá nhân hay doanh nghiệp, mà ở tầm quốc gia.

Thu hẹp khoảng cách kỹ năng số cho người lao động

Xét riêng trong ngành công nghiệp AI, có ba tầng cơ bản: Thứ nhất, tầng dưới cùng là cơ sở hạ tầng, nơi lưu trữ hệ thống máy tính và chip AI, điển hình là các doanh nghiệp lớn quốc tế như Nvidia, Google, Microsoft…

Ở Việt Nam, có Viettel hay FPT. Thứ hai, tầng giữa là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs), điển hình như GPT-4o, Stable Diffusion, hay ở Việt Nam là Phở GPT đã ra mắt. Thứ ba, tầng trên cùng là các sản phẩm ứng dụng AI, điển hình tại Việt Nam như FPT Mentor AI, LovinBot, ViGPT…

Cả ba tầng trên đều cần chuyên gia trong lĩnh vực AI để vận hành hệ thống máy tính, xây dựng và nghiên cứu các mô hình ngôn ngữ lớn, đồng thời cũng cần hết sức am hiểu thị trường, nhằm tạo ra các sản phẩm AI phù hợp nhu cầu khách hàng…

Việt Nam là nền kinh tế số có hai năm liên tiếp dẫn đầu Đông Nam Á, tuy nhiên, lực lượng lao động nói chung vẫn có năng suất thấp. Điều này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hụt kỹ năng và hệ thống giáo dục chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Do đó, cần có nhiều sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ hơn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa AI vào chương trình hội thảo, giảng dạy.

Một điểm thuận lợi, Việt Nam dẫn đầu một khảo sát cho thấy người dân rất quan tâm đến AI, tới 91% số người tham gia khảo sát bày tỏ sự hứng thú với công nghệ này - tỷ lệ cao nhất so với các thị trường khác được nghiên cứu, theo Finastra Financial Services. Gần đây, Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) đã ra mắt, với sự bắt tay của 17 đơn vị là các trường đại học và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, AI, nhằm giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức và kỹ năng số thực tế.

Từ đây, có thể khẳng định, AI sẽ là xu hướng hợp tác chủ đạo trong năm 2024-2025 giữa các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp giáo dục, nhằm giải quyết bài toán năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách kỹ năng số của người lao động khi tham gia thị trường kinh tế số.

Lựa chọn tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp

Hầu hết các chủ doanh nghiệp hiện nay, khi được khảo sát về việc sẽ ứng dụng AI trong công việc năm 2024 như thế nào, đều bắt đầu với câu chuyện tăng doanh thu nhưng giảm chi phí và tối ưu hiệu suất làm việc của nhân viên.

Bạn Võ Thị Thúy Hiền, nhân viên digital marketing (tiếp thị số) của một doanh nghiệp phần mềm tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận được chỉ thị từ cấp trên trong thông báo đầu năm: “Tất cả nhân sự trong phòng marketing sắp tới cần sử dụng thường xuyên các công cụ AI để sáng tạo nội dung, tăng hiệu quả quảng cáo và phục vụ marketing cho công ty”.

Ngay khi nhận được thông báo, các bạn lập tức tìm kiếm trên các diễn đàn mạng, để nhờ gợi ý khóa học AI phù hợp, nhằm đáp ứng đòi hỏi từ công việc. Đây cũng là tình hình chung ở rất nhiều công ty hiện nay.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như LovinBot đã ứng dụng mạnh mẽ AI để tạo ra các công cụ viết nội dung có thể tiết kiệm thời gian và chi phí ba lần so với trước, trong việc sản xuất các nội dung truyền thông, marketing. Ngoài ra, với nhu cầu đa dạng của thị trường, LovinBot dựa trên sự hiểu biết về khách hàng, phát triển các giải pháp về nền tảng tạo trợ lý ảo AI thế hệ mới, giúp doanh nghiệp giảm chi tiết, tăng hiệu quả bộ phận chăm sóc khách hàng, hoạt động 24/7.

Đầu tiên, các chủ doanh nghiệp vẫn cho rằng, mục tiêu quan trọng hàng đầu là ứng dụng AI để xây dựng thương hiệu và thu hút khách hàng nhờ phát triển chiến lược marketing do AI hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế, vấn đề quan trọng vẫn là việc người lao động hiện nay chưa có sự chuẩn bị tốt để bắt kịp công nghệ AI này.

Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn rất quan tâm đến khả năng đội ngũ nhân sự tận dụng được công nghệ AI để đạt hiệu quả hơn trong công việc. Bởi vậy, chúng tôi đã triển khai đào tạo ngắn hạn các khóa ứng dụng AI cho nhân sự như Tập đoàn TH, Tập đoàn AIA, Tập đoàn CJ Hàn Quốc, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) để tăng năng suất và kỹ năng ứng dụng AI trong công việc.

Bên cạnh đó, một bài toán hóc búa là chi phí vận hành ngày càng lớn. Khi dữ liệu càng nhiều, càng phức tạp, đội ngũ nhân viên càng ngày càng khó đáp ứng được nhu cầu. Ngược lại AI có xu hướng xử lý và phản hồi tốt hơn con người, lại có thể hoạt động suốt 24/7.

Từ đó, các chủ doanh nghiệp sớm nhận ra rằng AI không chỉ là một xu hướng công nghệ, mà còn là một yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí, đặc biệt trong việc xử lý các nghiệp vụ trong lĩnh vực trợ lý ảo chăm sóc khách hàng, từ bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng… Đây là xu hướng ứng dụng chủ đạo trong các doanh nghiệp năm 2024.

Chất lượng đào tạo - đòi hỏi từ thực tiễn

Một trong các vấn đề nổi bật khác trong năm 2024 là câu chuyện: Nhu cầu về ứng dụng AI rất lớn, nhưng số lượng các chuyên gia, các khóa học còn thiếu, khi tốc độ phát triển AI quá nhanh.

Từ giữa năm 2023, khi AI bắt đầu lan tỏa mạnh, đã bắt đầu xuất hiện nhiều khóa học về AI, hầu hết đến từ các trung tâm mà trước đó đào tạo về kỹ năng khác, nhưng các giảng viên đã nhanh chóng tự cập nhật thêm kiến thức AI để có thể trực tiếp đứng lớp. Nhiều trường hợp, các bạn nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu này, nên tự mở khóa học, dù kinh nghiệm về AI không có nhiều.

Trong bối cảnh ấy, chuyện tìm được một khóa học đạt tiêu chuẩn cao về ứng dụng AI, có thể nói là khó khăn như “đãi cát tìm vàng”. Tình trạng “nhiều thầy”, “nhiều chợ” với chất lượng được các đơn vị quảng cáo, PR quá mức như “kiếm $1.000 từ AI”, “Học AI hay là bị sa thải” đánh vào tâm lý của một bộ phận nhân sự. Nhiều bạn trẻ vì tâm lý bị thúc ép nên đi học, lại gặp những khóa học thiếu chuyên môn nhưng thừa “lộng ngôn” như vậy thì càng thêm mơ hồ, vì tính ứng dụng không có.

Đơn cử, anh Lê Quang Thức - nhân viên toàn thời gian của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu - đã bỏ ra tới hơn 5 triệu đồng để tham gia khóa học “Kiếm tiền đỉnh cao cùng AI”. Sau khi học vài buổi, anh thấy rất thất vọng vì kiến thức, nền tảng, hiểu biết về AI của “các thầy” gần như là bằng không.

Các buổi học nặng tính lý thuyết, nếu có thực hành thì thầy dạy còn “run tay” khi gặp một số sự cố, thí dụ như trường hợp các công cụ ChatGPT trả kết quả không như ý, là thầy sẽ khó khăn để xử lý. Khóa học dự kiến diễn ra trong 12 ngày, nhưng học tới ngày thứ tư anh quyết định bỏ giữa chừng vì mất thời gian.

Cần phải khẳng định: Các khóa học về AI rất cần trong giai đoạn này, nhu cầu là có thật. Song, điều quan trọng là cần tỉnh táo lựa chọn đúng khóa học. Do đó, có một số kinh nghiệm để nhận biết và đánh giá chất lượng, thí dụ như việc người học có thể đặt ra những câu hỏi như:

“Bản thân người dạy có làm trong lĩnh vực AI hay không?”, “Họ có chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nào đó không?”, “Họ có làm sản phẩm AI không? Có đủ kiến thức, chuyên môn giải đáp các câu hỏi từ học viên?”, “Họ có hằng ngày nghiên cứu các công nghệ AI cho công việc hay không?”, “Họ có kinh nghiệm triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu hay không?”, “Feedback (phản hồi, nhận xét) của học viên như thế nào?”…

Do đó, nhu cầu tất yếu là việc hình thành các viện nghiên cứu và ứng dụng AI, hình thành các trung tâm đào tạo ngắn hạn, cung cấp các khóa học và chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng AI cho người lao động, từ cơ bản đến nâng cao, theo những chương trình bài bản, chuẩn mực, được các chuyên gia đích thực hướng dẫn.

Sự xuất hiện của các học viện ứng dụng AI này sẽ mở rộng cơ hội học tập cho mọi người dân, từ sinh viên đến người lao động, góp phần nâng cao trình độ nhân lực, tác động tích cực và sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế-xã hội quốc gia trong kỷ nguyên số n

(*) Đặng Hữu Sơn, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành LovinBot AI,

Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID).