Một gia đình có ba thế hệ nghệ nhân

Tình yêu, niềm say mê với nghề mây tre đan được gia đình Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh (trong ảnh) trao truyền qua các thế hệ. Ba thế hệ của gia đình ông đều được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ở lĩnh vực này. Sản phẩm mây tre đan của gia đình ông chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Một gia đình có ba thế hệ nghệ nhân

Những nghệ nhân làng nghề, nhất là người có tuổi thường thành thạo công việc chuyên môn nhưng kém năng động trong tiếp cận, chinh phục thị trường, nhưng với Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thì không như vậy. Thương hiệu mây tre đan Việt Quang của gia đình ông hiện có gần 20 sản phẩm là sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong đó, có những sản phẩm nổi tiếng, được thị trường ưa chuộng như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, làn đan mắt cáo, khay chữ nhật, hộp đựng giấy, bộ hộp đựng bút, khay để hoa quả… Con người ông là sự hòa trộn giữa tình yêu, niềm say mê với khát vọng vươn lên, chinh phục thị trường bằng cái đẹp.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh thường bảo ông may mắn khi là “con nhà nòi”. Cụ thân sinh ra ông là Nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, người đầu tiên ở Việt Nam đan chân dung Bác Hồ bằng mây, tre, cũng là người tiên phong ở làng nghề Phú Vinh đưa những họa tiết trang trí vào mây, tre. Sinh ra trong một gia đình như thế nên cậu bé Tĩnh đã biết vót tre, đan lát từ khi mới… 9-10 tuổi. Khi quan sát cha hay những người lớn tuổi làm việc, trong đầu cậu bé thường xuyên nảy ra những câu hỏi, làm sao người ta có thể đan đẹp thế, làm sao có thể tạo ra họa tiết từ những sợi mây, sợi tre…

Những câu hỏi ấy càng thôi thúc sự mày mò. Cùng với sự chỉ dạy của người cha, cậu tự tìm hiểu, thử nghiệm cách thức đan khác nhau. Đến khi trong đầu hình dung ra những cách thức đan mới, các họa tiết mới, rồi đôi bàn tay phải thực hiện được thì cậu mới yên tâm. Năm 1984, Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh học thiết kế mẫu tại Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây.

Sau khi học xong, ông về làm việc tại Tổ thiết kế mẫu của Hợp tác xã Mây tre đan Phú Vinh. Đến năm 1986, Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã có giải thưởng đầu tiên là Huy chương vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp trung ương trao tặng. Danh hiệu này đánh dấu độ “chín” của Nghệ nhân trên con đường nghề nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ.

Mây tre đan như một thế giới mà Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cần “chinh phục”. Bởi thế, sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông vẫn không ngừng sáng tạo, học hỏi. Đến xưởng sản xuất, hay gian hàng trưng bày trong các triển lãm của ông, người ta dễ bị ngợp bởi đủ kiểu đan khác nhau trên nhiều chủng loại sản phẩm, từ nhỏ như chiếc lót ly, cốc… cho đến lớn như chiếc bình mây, chân dung, đèn trang trí… Ngoài đan bằng mây, tre đơn thuần, gia đình ông còn đưa gốm, sơn mài… vào sản phẩm, tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ mới và được nhiều khách hàng, nhiều khách sạn lớn đặt hàng làm đồ trang trí.

Một trong những sáng tạo điển hình của ông là bộ mây đan hình vảy rồng. Đây là một kỹ thuật đan rất khó, các “mắt đan” thay vì hình vuông, hình chữ nhật, quả trám… thông thường, lại được uốn cong tạo hình như chiếc vảy rồng trong trang trí mỹ thuật cổ. Để có được hàng trăm “vảy rồng” bé li ti đều nhau đòi hỏi người thợ rất công phu. Sản phẩm này đem lại cho ông nhiều giải thưởng và được công nhận là sản phẩm OCOP.

Gia đình Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh có hai người con trai là Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Phương Quang đều được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Trong đó, người con trai thứ hai được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2016, khi anh mới 28 tuổi.

Nếu tính cả cụ Nguyễn Văn Khiếu, người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 1961, thì gia đình Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh có ba thế hệ, bốn cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Đó là kết quả của quá trình gắn bó, say mê và sáng tạo không ngừng nghỉ của cả gia đình. Kế thừa niềm say mê của cha, Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang cũng có nhiều sáng tạo độc đáo. Năm 2007, trong Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Nguyễn Phương Quang đã giành giải cao với sản phẩm “Giỏ đựng trái cây”.

Mẫu sản phẩm này được nhiều du khách đã tìm đến gia đình Quang để đặt mua, vừa là để trang trí, vừa để xuất khẩu. Tiếp đó, năm 2008, anh bắt tay vào làm tác phẩm “Chiếc bình sen mây”. Đây là tác phẩm cực kỳ tinh xảo có chiều cao 4,1m, đường kính 1,5m, tổng trọng lượng là 120kg được vinh danh trong Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2009 và trưng bày tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2010.

Chính hai anh em Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Phương Quang là người đề xuất với bố thành lập doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động thương mại với các đối tác trong nước và nước ngoài thay vì làm việc theo mô hình hộ gia đình truyền thống. Công ty TNHH Việt Quang ra đời đã góp phần giúp gia đình ông phát triển kinh tế; đồng thời, đưa những sản phẩm tinh hoa của mây tre đan Phú Vinh đi khắp nơi thế giới.