Lưu truyền bản sắc dân tộc Sán Dìu

Trong văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu, thầy cúng phải là người am hiểu văn hóa truyền thống, phải học chữ Nôm của người Sán Dìu. Thầy cúng vừa là cầu nối giữa con người và thế giới thần linh, vừa là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Ông Trương Văn Thủy (trong ảnh) là một thầy cúng như thế. Ông là một kho văn hóa của đồng bào Sán Dìu, với bộ sách Hán Nôm quý báu.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Thủy với những cuốn sách cổ.
Ông Thủy với những cuốn sách cổ.

Nhà ông Thủy khang trang, bốn bề xanh mướt cây cối, xa xa là dãy núi Tam Ðảo. Trong buồng ê a tiếng đứa cháu học Hán Nôm. Ông Thủy kể: Ông nội tôi làm thầy cúng, thời chống thực dân Pháp ông làm Trưởng khu hành chính. Ông truyền nghề thầy cúng cho tôi từ khi tôi 12 tuổi, đến nay tôi có 44 năm hành nghề. Bây giờ tìm người để truyền nghề rất khó, có mấy cháu thấy khó không theo học nữa. Nay hy vọng có một đứa cháu sẽ tiếp tục cái nghề của các cụ để lại.

Ông Thủy là người dân tộc Sán Dìu, đang làm thủ từ đình Ðồng Ðằm, một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo phong tục của người Sán Dìu, người hành nghề thầy cúng phải được cấp sắc. Có 4 cấp từ thấp đến cao. Cấp 1 hay lần cấp sắc đầu tiên gọi là Lộc Xộ. Người được cấp sắc được trao 1 ấn tín (dấu triện hình chữ nhật, làm bằng gỗ) để hành nghề thầy cúng và có thể tạ thổ, tạ mộ, làm chay (làm ma), kỳ yên (trấn trạch), làm mộ, giải hạn. Người giỏi có thể xem được ngày lành tháng tốt để làm nhà, làm cổng, cưới vợ...

Cấp 2 gọi là Hoi Xeo, dành cho thầy cúng đã thành thục nghề. Thầy cúng được cấp ấn tín mới và lệnh để hành nghề. Thầy cúng cấp 3 gọi là Chống Xọn, phải tu tại gia, phải ăn chay, không được gần phụ nữ, thấy người khác đánh nhau phải can ngăn, không được sát sinh...

Thầy cúng cấp 3 chỉ làm những việc quan trọng, còn bình thường cấp ấn tín cho đệ tử đi làm. Thầy cúng cấp 3 vẫn sử dụng ấn của cấp 2 và thêm ấn Phật. Chống Trách là cấp cao nhất, rất hiếm người đạt được. Tại vùng Tam Ðảo chỉ có thầy cúng Hoi Xeo.

Nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu gồm lễ chay và lễ mặn. Người được cấp sắc phải mổ lợn, gà, đánh bẻng (nặn bánh) để làm lễ. Người được cấp sắc và con cháu phải ăn chay từ hôm bắt đầu thực hiện nghi lễ cấp sắc. Thầy cúng mặc trang phục dành riêng và phải kiêng nhiều thứ.

Khi hành nghề, thầy cúng phải theo sách. Ông Thủy còn giữ được hàng trăm cuốn sách gia truyền làm từ giấy dó mỏng tang, viết chữ Hán Nôm trên một mặt. Sách đã mục, sờn, nhưng nét chữ mực tàu rất rõ. Theo ông Thủy, các cuốn sách có tuổi đời chừng 200 đến 300 năm. Có sách xem về ngày giờ, có sách xem về trẻ con, về động vật nuôi, về trồng trọt...

Ðặc biệt, ông Thủy lưu giữ được một số cuốn sách cổ có bìa làm từ vỏ cây, hoặc lá cây, đem nấu thành cao sánh lại như nhựa đường, bên trong là những hình vẽ mộc mạc hướng dẫn cách châm cứu, hay lý giải những hiện tượng bất thường. Ông Thủy khẳng định, những cuốn sách đó đã có 700 đến 800 năm tuổi, được truyền từ đời này sang đời khác và gìn giữ như báu vật của gia tộc. Xét về mặt văn hóa, tri thức của người thầy cúng Sán Dìu cũng như những cuốn sách cổ kia vẫn là một bí ẩn cần được nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ cho đời sau.