Lễ hội thu hoạch hành, tỏi ở Kinh Môn

Lễ hội thu hoạch hành, tỏi gắn liền với những câu chuyện về lịch sử, văn hóa là tiền đề để thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là cơ hội để “thủ phủ” hành, tỏi lớn nhất cả nước giới thiệu và quảng bá các sản phẩm hành, tỏi nổi tiếng của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Hiệp Hòa thi thu hoạch hành, tỏi.
Nông dân xã Hiệp Hòa thi thu hoạch hành, tỏi.

Lễ hội thu hoạch hành, tỏi lần đầu được tổ chức tại cánh đồng thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn.

Đây là sự kiện giúp người dân trong vùng thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn bó từ lâu đời với những ruộng hành. Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách tham gia vào các hoạt động vui chơi, trò chơi dân gian, xem các tiết mục nghệ thuật truyền thống và thưởng thức các món ăn đặc sản được chế biến từ hành, tỏi.

Điểm nhấn của lễ hội là cuộc thi thu hoạch hành, tỏi diễn ra giữa nông dân ba thôn: Đích Sơn, An Bộ và Châu Bộ của xã Hiệp Hòa. Mỗi đội thu hoạch một luống hành, bó hành và treo lên giá, thời gian không được quá 10 phút.

Các đội tham gia thu hoạch hành mặc những bộ trang phục truyền thống, đầu chít khăn giữa không gian xanh ngát, trải nhẹ nắng vàng tạo nên bức tranh sinh động và hấp dẫn.

Đã có thời kỳ, những cánh đồng hành ở Kinh Môn được ví như những cánh đồng vàng.

Chị Nguyễn Thu Hà ở xã Lê Ninh nhớ lại: Nền tảng để quê hương đổi thay mạnh mẽ như ngày hôm nay là nhờ những cánh đồng hành. Đối với các xã thuần nông như Lê Ninh, Hiệp Hòa, Thăng Long, Lạc Long, nếu không có vùng chuyên canh cây hành thì người nông dân thoát nghèo cũng khó chứ chưa nghĩ tới làm giàu.

Rất nhiều gia đình xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con ăn học… tất cả đều trông vào cây hành.

Hành, tỏi là cây chủ lực, chiếm 90% tổng diện tích cây vụ đông của thị xã Kinh Môn (diện tích cây hành 3.900 ha, cây tỏi 150 ha trong tổng số 4.400 ha cây vụ đông). Hành, tỏi được trồng tập trung nhiều nhất ở khu nam An Phụ, một số xã khu bắc An Phụ và khu Tam Lưu.

Sản lượng hằng năm khoảng 100.000 tấn hành tươi, 4.000 tấn tỏi tươi. Giá trị cây vụ đông hằng năm của thị xã Kinh Môn đạt khoảng 1.500-1.700 tỷ đồng, chủ yếu là hành, tỏi.

Cây hành, củ tỏi vùng đất Kinh Môn vượt trội so với các địa phương khác về độ cay, thơm, giá trị dinh dưỡng, là gia vị thiết yếu trong căn bếp của nhiều gia đình Việt; được chế biến thành các sản phẩm hành chiên, sấy khô; tỏi đen, rượu tỏi, tỏi ngâm mật ong…

Các sản phẩm hành, tỏi Kinh Môn đã nhiều lần được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, được bán phổ biến tại các chợ truyền thống, siêu thị, lên sàn thương mại điện tử và được xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu, Thái Lan, Malaysia…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiệp Hòa Nguyễn Văn Quân cho biết: Người dân nơi đây rất vui, phấn khởi khi Lễ hội hành, tỏi được tổ chức. Hiệp Hòa có truyền thống thâm canh cây hành từ xa xưa, gần 400 ha đất canh tác trong xã và toàn bộ thùng vũng, ruộng trũng đều được người dân thuê máy hút bùn san lấp để lấy đất trồng hành.

Tuy nhiều vụ liên tiếp cây hành được mùa, được giá, song bà con canh cánh nỗi lo bởi đầu ra của cây hành chưa có gì bảo đảm. Về cơ bản, bà con vẫn tự sản xuất, tự tiêu thụ theo biến động của thị trường.

Vì vậy, thông qua lễ hội, bà con mong mỏi hành, tỏi và các sản phẩm chế biến từ hành, tỏi Kinh Môn có nhiều cơ hội cạnh tranh lành mạnh; giá trị chất lượng, văn hóa vùng quê và thương hiệu của hành, tỏi nơi đây sẽ theo chân du khách và qua các phương tiện truyền thông sẽ tiếp tục lan tỏa xa hơn…

Để các cánh đồng hành, tỏi duy trì ổn định, mang lại giá trị cao, rất cần các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm, khuyến khích và có cơ chế ưu đãi xây dựng nhà máy và các cơ sở chế biến nông sản, bảo đảm bao tiêu từ 30-40% sản lượng hành cho nông dân, để cây hành có chỗ đứng vững chắc và tạo động lực phát triển.

Về dự Lễ hội hành, tỏi Kinh Môn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cảm nhận: Lễ hội hành, tỏi Kinh Môn sẽ như làn gió mới thổi mát thêm những cánh đồng, làm tươi mới con người bao đời chỉ biết cặm cụi vun trồng một loại gia vị làm ngon thêm cho bữa ăn bao người.

Lễ hội giúp người Kinh Môn tự tin hơn, tự hào hơn về những sản vật quê mình sẽ đến các bếp ăn khắp các vùng, miền đất nước.

Lễ hội là hoạt động kinh tế gắn với hoạt động văn hóa lịch sử, với các hoạt động xã hội nông thôn. Bán những củ hành, củ tỏi giá trị không cao, bán cả không gian cảm xúc trải nghiệm làng nghề sản xuất hành, tỏi sẽ mở ra không gian giá trị lớn hơn nhiều lần.

Rồi đây, người phương xa trông thấy củ hành, củ tỏi là nhớ đến Kinh Môn. Rồi đây, nhắc đến Kinh Môn là người ta lại nhớ về củ hành, củ tỏi thắm vị đất, đậm hồn người. Rồi đây, người Kinh Môn sẽ tạo dựng những miền quê đáng sống, đáng đến và đáng trở về.