Kỳ diệu Đèo Gia

Đèo Gia là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Hơn 10 năm về trước, nhiều người đến đây đều lắc đầu ngao ngán bởi giao thông cách trở, người dân đói nghèo, lạc hậu, làng bản đìu hiu... Thế nhưng, ngày nay đến vùng đất này, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay với bức tranh kinh tế nhiều khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ giao thông thuận lợi, đời sống kinh tế của người dẫn xã Đèo Gia ngày càng phát triển.
Nhờ giao thông thuận lợi, đời sống kinh tế của người dẫn xã Đèo Gia ngày càng phát triển.

Bế tắc được hóa giải!

Xã Đèo Gia nằm ở phía nam sông Lục Nam, với diện tích tự nhiên gần 5.000 ha, một bên bám núi, một mặt kề sông. Đứng ở trung tâm xã, ngước mắt lên thấy núi U Bò vời vợi, xa xa là vùng đất trù phú tốt tươi. Nhiều người từng đặt câu hỏi, từ thị trấn Chũ lên đây đâu quá xa xôi, chỉ hơn 20 km, điều kiện đất đai, khí hậu khá thuận lợi, vậy mà sao đói nghèo cứ đeo bám nơi này suốt nhiều năm? Có lẽ bế tắc đã được hóa giải khi hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường ĐH81 từ Nam Dương đi Đèo Gia được Nhà nước đầu tư nâng cấp năm 2019, đây được xem như là “chìa khóa” mở ra những trang mới cho vùng sơn cước.

Đến với Đèo Gia hôm nay, đường giao thông thuận lợi hơn rất nhiều. Những con ngầm băng suối từng là nỗi ám ảnh thì nay đã được xây dựng, nâng cấp. Dọc hai bên đường, chúng tôi bị cuốn hút bởi sự sôi động của các đoàn xe container, xe tải tấp nập vận chuyển hàng hóa. Những nhà xưởng nhộn nhịp tiếng máy, gỗ rừng trồng từ nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La đến Thanh Hóa, Nghệ An được vận chuyển về đây phục vụ chế biến rồi xuất khẩu. Ẩn khuất sau lớp sương mờ buổi sớm là những ngôi nhà cao tầng còn nguyên mầu sơn mới...

Đưa chúng tôi tham quan một số mô hình kinh tế, Chủ tịch UBND xã Đèo Gia Hoàng Văn Dũng chia sẻ: Xã có bảy thôn, hơn 1.100 hộ gia đình, trong đó đồng bào dân tộc Cao Lan chiếm 78%. Trước đây, do đường sá đi lại khó khăn cho nên cơ bản bà con đều tự cung tự cấp, trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Hơn nữa, trên địa bàn không có chợ, muốn mua sắm gì phải qua sông đến chợ Biển, chợ Lim hoặc xuống thị trấn Chũ rất vất vả.

Từ ngày tuyến đường ĐH81 được nâng cấp đến nay, việc trao đổi, mua bán hàng hóa rất thuận lợi, dọc hai bên đường, hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ diễn ra sầm uất. Toàn xã có cả trăm chiếc ô-tô, không hiếm những ngôi nhà cao tầng, biệt thự sang trọng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã tăng lên gần 43 triệu đồng/người/năm.

Chỉ còn hơn 60 ha đất canh tác lúa, nông dân Đèo Gia đã biết phát huy lợi thế từ kinh tế rừng để vươn lên. Nơi đây có hơn 3.000 ha rừng trồng, thu nhập từ khai thác rừng trồng đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều gia đình thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí có hộ thu về cả tỷ đồng sau mỗi chu kỳ khai thác gỗ keo, bạch đàn.

Ít ai ngờ, Đèo Gia có số lượng xưởng chế biến gỗ nhiều nhất huyện Lục Ngạn, tổng cộng 47 cơ sở. Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nghề chế biến gỗ còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đơn cử như xưởng của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Ruồng đang giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn một tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi đã mở xưởng bóc gỗ tại Đèo Gia, nhưng đường lúc ấy khó đi, chỉ xe nhỏ mới vào được, hoạt động không hiệu quả và phải dừng sản xuất. Đến năm 2019, sau khi đường vào xã được nâng cấp, nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng dồi dào, tôi quyết định đầu tư trở lại, công suất chế biến hiện nay đạt 50 m3/ngày. Ban đầu cả xã chỉ có ba xưởng bóc gỗ nhưng mấy năm gần đây có thêm hàng chục cơ sở khác, qua đó hình thành vùng chế biến gỗ lớn nhất tại Lục Ngạn”.

Sản xuất nông sản chất lượng cao

Kinh tế ở Đèo Gia khởi sắc khoảng ba năm trở lại đây khi hạ tầng giao thông được nâng cấp và người dân đã phát huy được thế mạnh, tạo đột phá trong phát triển kinh tế rừng. Cùng đó, cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng giảm gần 200 ha diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị cao như: Bưởi, cam, nhãn, vải thiều sớm, táo, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên gần 600 ha.

Để có bước phát triển như hôm nay, một trong những giải pháp địa phương quan tâm là xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học-kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của cây ăn quả. Người dân Đèo Gia rất năng động phát triển kinh tế, cả xã có 1.000 hộ xây lò sấy. Mùa nào thức ấy, bà con thu mua nguyên liệu là sắn và vải thiều về sấy sau đó bán ra thị trường. Diện tích trồng vải thiều, táo, hồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng được nhân rộng...

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở Đèo Gia là 20,55%, đến nay còn hơn 11%, xã đang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5% sau hai năm nữa. Giai đoạn 2024-2026, Nhà nước dự kiến đầu tư xây dựng cầu Đèo Gia bắc qua sông Lục Nam kết nối với xã Phú Nhuận, khi hoàn thành sẽ tiếp thêm động lực để địa phương bứt phá mạnh mẽ hơn nữa cho Đèo Gia.

Có thể nói, dư địa phát triển lĩnh vực kinh tế nông, lâm nghiệp của Đèo Gia còn rất lớn. Trong Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn đến năm 2040 đã xác định không gian phát triển của huyện gồm bốn vùng, xã Đèo Gia thuộc phân vùng số ba với định hướng sản xuất nông-lâm sản chất lượng cao, đồng thời hình thành các khu dịch vụ, điểm du lịch sinh thái gắn với sông Lục Nam.

Rời khỏi Đèo Gia khi lớp sương đã tan, nắng đã lên trên núi U Bò, nhìn những nụ cười rạng ngời của đồng bào nơi đây, chúng tôi cảm nhận rằng cuộc sống đang khởi sắc từng ngày. Điều đó cho thấy tinh thần quyết tâm vượt khó, không cam chịu đói nghèo của đồng bào vùng cao. Tin rằng, với đà phát triển này, Đèo Gia sẽ sớm hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Khi đó, cái tên Đèo Gia chắc chắn sẽ không còn trong danh sách những xã đặc biệt khó khăn.