Tài chính - ngân hàng

Kiểm soát hoạt động đổi tiền lẻ

Hành vi đổi tiền không đúng quy định pháp luật bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn công khai chào mời những người có nhu cầu đổi tiền với mức phí cao.

Không chỉ tại cổng các khu đền, chùa, các khu chợ đen chuyên đổi tiền như trước đây, hoạt động đổi tiền lẻ đang diễn ra tinh vi, khó kiểm soát hơn nhờ môi trường in-tơ-nét. Dù không ghi rõ danh tính hoặc địa chỉ nhưng với số điện thoại và cách thức liên hệ online, việc trao đổi tiền lẻ vẫn diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "đổi tiền lẻ" trên Google, Facebook, Zalo... sẽ ra hàng loạt kết quả quảng cáo các trang web, trang facebook cá nhân, nhận đổi tiền lẻ với mọi mệnh giá. Trong vai là người muốn đổi tiền, chúng tôi được một cơ sở ở 108 phố Thái Thịnh (quận Ðống Ða) cam kết sẽ giao tiền tận nơi để bảo đảm an toàn tài chính, muốn lấy số lượng bao nhiêu, mệnh giá nào cũng có.

Qua khảo sát, cho thấy, càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng tiền lẻ mới để mừng tuổi, đi lễ tăng cao, mức phí cũng sẽ tăng theo, tùy số lượng và mệnh giá tiền đổi. Tiền có mệnh giá càng thấp thì phí càng cao. Tiền 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng có phí đổi cao nhất. Muốn đổi cọc 100 tờ 500 đồng, người đổi phải mất 200 nghìn đồng. Với các mệnh giá 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng..., phí thấp hơn. Bên cạnh đổi tiền Việt Nam, nhiều người còn cung cấp cả dịch vụ đổi ngoại tệ, mặc dù việc này không được phép theo quy định. Giá đổi tờ 2 USD hiện đang ở mức 50 đến 60 nghìn đồng/tờ, cao hơn nhiều so với giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại. Không chỉ bị thu phí cao, việc đổi tiền lẻ bên ngoài cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Anh Nguyễn Ðức Công (ở Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) kể lại: "Tôi đã có lần đổi tiền lẻ ở phố Nguyễn Xí nhưng không kiểm tra kỹ cọc tiền. Về nhà mới phát hiện ra cọc tiền lẻ không đủ 100 tờ. Những tờ tiền có số sê-ri đẹp đã bị rút ra thay bằng tờ khác".

Mới đây, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Bảo Lâm cho biết, từ tháng 11-2018, NHNN đã có chủ trương không đưa thêm lượng tiền mệnh giá nhỏ dưới 10 nghìn đồng in mới ra thị trường. Bởi trước đó, từ tháng 4-2018, NHNN đã đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ dưới 10 nghìn đồng (gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in), phân bổ cho các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố. Theo thống kê, năm 2018, lượng tiền mệnh giá nhỏ ra thị trường đã tăng 12% so với năm 2017, gồm cả tiền mới in và tiền đã qua lưu thông. Với chủ trương không đưa tiền mệnh giá nhỏ dưới 10 nghìn đồng mới in ra lưu thông, trong tháng 12-2018 và tháng 1-2019, dự kiến, NHNN đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 390 tỷ đồng.

NHNN nghiêm cấm cán bộ ngân hàng, các tổ chức tín dụng tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó… NHNN sẽ phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tài chính trái phép. Theo Khoản 5, Ðiều 30 Nghị định số 96/2014/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.