Không gian rộng mở để doanh nghiệp lớn lên

Tham vọng hai triệu doanh nghiệp vào năm 2030, nghĩa là tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, sẽ đạt được nếu có đột phá trong thể chế, tạo niềm tin để doanh nghiệp lớn lên.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Sứ mệnh

Cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam diễn ra cuối tháng 9/2024 như một Hội nghị Diên Hồng. Các doanh nghiệp có mặt đã mang đến những kế hoạch, mong muốn thật sự lớn lao.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) - doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2000 đã gửi đến giải pháp phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu nhưng cũng để chung tay thực hiện cam kết trung hòa carbon của Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), nhắc lại tại COP27.

Tập đoàn TH đề xuất chiến lược phát triển ngành chăn nuôi bò sữa đại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với sinh kế cho người dân địa phương, để góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mang đến khát vọng về ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo tinh thần của Nghị quyết số 360-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam...

Tập đoàn T&T cũng chia sẻ kỳ vọng về các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia...

Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân lớn hàng đầu Việt Nam đều cam kết cùng Chính phủ tìm kiếm từng điểm phần trăm cho tăng trưởng của năm 2024.

Cũng phải nhắc lại, trước Hội nghị khoảng một tuần, các doanh nghiệp này đều đã ở tuyến đầu trong các hoạt động hỗ trợ người dân vùng bão lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Cơn bão Yagi giữa tháng 9/2024 đã lấy đi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế hơn 81.500 tỷ đồng, có thể khiến tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm hơn 0,5% so với dự báo trước khi có bão. Thậm chí, Chính phủ đã dự tính khả năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ mất đi 0,15% so với kịch bản mong muốn (6,8-7%). Đáng nói là nhiều doanh nghiệp vừa tìm được con đường trở lại sau vài năm vất vả do dịch bệnh lại đối mặt với đổ vỡ, mất mát...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nói không nản chí, nhất là khi họ đã nhìn thấy Chính phủ đang tìm kiếm, thiết kế các cơ chế, chính sách phù hợp để giao cho họ những sứ mệnh lớn lao, đặt họ vào các bài toán phát triển lớn của đất nước.

Đội ngũ doanh nhân Việt ngày một lớn mạnh

Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp ví cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và các tập đoàn tư nhân lớn giống như một Hội nghị Diên Hồng.

20 năm trước, cũng dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, chính thức đặt khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào đường ray phát triển cùng với đất nước.

Thời điểm đó, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực được bốn năm, với tinh thần người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng mạnh, bắt đầu thu được những thành công nhất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, giới doanh nhân chưa thật sự có được sự thừa nhận của xã hội, của các cơ quan quản lý nhà nước. Tình trạng phân biệt đối xử doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế, chính sách còn nặng nề. Trong ký ức của nhiều doanh nhân Việt Nam thế hệ đầu tiên, cuộc vật lộn để có chỗ đứng trên thương trường không chỉ khó khăn bởi sự non nớt trong kinh doanh mà còn bởi sự quan tâm chưa đầy đủ giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực nhà nước...

Nhưng không gian của nền kinh tế đang phát triển, con đường hội nhập sâu rộng với thế giới của Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu hình thành và phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Môi trường kinh doanh được cải thiện dần theo những đòi hỏi của các đối tác, những cam kết thương mại, đầu tư mà Việt Nam tham gia.

Đặc biệt, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát… Tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn có thể đạt khoảng 70 tỷ USD. Hơn thế, các doanh nghiệp đã có được trình độ công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao...

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư U&I, Phó Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp hiện nay vẫn quá nhỏ và nền kinh tế Việt Nam cần nhiều hơn doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp nhắc thế giới nhớ đến Việt Nam.

“Nhưng điều này cũng có nghĩa, Việt Nam cần có môi trường kinh doanh đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế tốt nhất, khi đó, tự thân các doanh nghiệp sẽ so được mình với thiên hạ”, ông Tín tin tưởng.

Hàng loạt cơ chế, chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao đã được đưa ra thảo luận. Mục tiêu được Chính phủ xác định rất rõ, là sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ… đang được nghiên cứu. Cụ thể hơn, các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… cũng đã có trên bàn thảo luận của các bộ, ngành.

Đây là điều mà các doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia kinh tế đặc biệt chờ đợi.

Trong đánh giá của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, khu vực doanh nghiệp tư nhân luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn nhất của đất nước. Thậm chí, ông đã gọi họ là “lực lượng cứu nguy cho nền kinh tế” khi nền kinh tế khủng hoảng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước; là lực lượng thúc đẩy phát triển khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Hiện tại, ông chờ đợi những tập đoàn tư nhân đủ lớn để đứng đầu chuỗi, dẫn dắt phát triển, kết nối được với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững, tham gia được vào các dự án lớn của đất nước, như đường sắt cao tốc bắc - nam, đường sắt đô thị, đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…

Không những thế, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới còn xác định mục tiêu có ít nhất hai triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế...

“Tham vọng hai triệu doanh nghiệp vào năm 2030, nghĩa là tăng gấp đôi trong vòng 5 năm, sẽ đạt được nếu có đột phá trong thể chế, tạo niềm tin để doanh nghiệp lớn lên. Vì trong bối cảnh này, doanh nghiệp đang cần không gian đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, cần cơ chế hỗ trợ cho quyết định “thử sai”, các quyết định đầu tư mạo hiểm...”, TS Thiên thẳng thắn nói.

Đến nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn năm triệu hộ kinh doanh.