Khơi thông mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể

NDO - Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản tinh thần vô giá mang đậm dấu ấn của từng vùng miền, lớn hơn là hồn cốt đặc trưng của quốc gia, dân tộc. Nhận thức sâu sắc điều này, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào S’tiêng ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng tổ chức Lễ hội cầu bông. Lễ hội này được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng bào S’tiêng ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng tổ chức Lễ hội cầu bông. Lễ hội này được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bình Phước là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân có lịch sử cư trú lâu đời. Trong quá trình sinh sống và phát triển, các dân tộc sớm thích ứng với tự nhiên thông qua tập quán lao động, sinh hoạt. Trải qua nhiều đời ông cha đã kiến tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.

Trong đó, người S’tiêng là dân tộc sống lâu đời tại Bình Phước và họ có một kho tàng văn học dân gian cũng như các lễ hội được lưu truyền nhiều đời nay, như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ quay đầu trâu, tục cưới trả của. Bên cạnh đó, các dân tộc ít người ở Bình Phước cũng có nhiều nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian như: chế biến rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm.

Di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn là sự khẳng định giá trị, nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Phước. Qua đó, ghi nhận, tôn vinh và tri ân những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng và nghệ nhân đã có nhiều công lao trong bảo tồn, phát huy, trao truyền giá trị di sản.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 45 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đó là đờn ca tài tử Nam Bộ, có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 25 di sản phi vật thể cấp tỉnh. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt có bảo vật quốc gia là bộ đàn đá Lộc Hòa.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, các di sản văn hóa của Bình Phước được kiểm kê, đưa vào danh mục đại diện di sản của nhân loại và danh mục di sản phi vật thể quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng, cũng là động lực để đẩy mạnh công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản. Đồng thời, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức và sự tham gia của cộng đồng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Trần Văn Chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang đứng trước những khó khăn, thách thức, như: nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn thiếu cả về nhân lực và vật lực. Hằng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng còn rất thấp.

Khơi thông mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1

Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tại huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thực tế cho thấy, tổng kinh phí chi cho hoạt động văn hóa toàn tỉnh hằng năm chỉ chiếm 0,46% tổng chi ngân sách của tỉnh (mức bình quân chung cả nước là 1%), đạt rất thấp so với mục tiêu chi đầu tư cho văn hóa. Do đó, một số di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên do không gian và môi trường văn hóa thay đổi.

Bên cạnh đó, số lượng người thực hành di sản ngày một ít. Các tập tục, nghi lễ, phong tục tập quán tốt đẹp đang biến đổi, tinh thần cố kết cộng đồng cũng đứng trước thách thức. Ngoài ra, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế tác động lớn đến các loại hình di sản văn hóa. Khi nền kinh tế phát triển, hàng hóa phong phú và đa dạng luôn có sẵn trên thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng. Điều này đã ảnh hưởng đến sự duy trì các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, nghề rèn.

Nhằm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hiểu được giá trị to lớn của các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là những di sản đã được công nhận. Chỉ khi người dân hiểu và thấy được quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư thì họ sẽ cùng tham gia trao truyền, bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị của di sản.

Bù Gia Mập là huyện biên giới với 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc ít người chiếm khoảng 36% số dân số của huyện, trong đó đa số là người S'tiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày. Để giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, vừa qua huyện Bù Gia Mập đã tổ chức hội thi “Nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số” lần thứ I năm 2023. Hội thi thu hút 500 thí sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tham gia.

Theo ông Điểu Kiêng, Trưởng phòng dân tộc huyện Bù Gia Mập, thông qua các hoạt động như hội thi “Nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số” mà huyện vừa mới tổ chức sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bù Gia Mập. Từ đó, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Khơi thông mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể ảnh 2

Độc đáo trang phục thổ cẩm của người Stiêng.

Đây cũng là dịp để đồng bào vùng dân tộc thiểu số được giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Di sản văn hóa gắn với cộng đồng dân cư, do đó các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc phát hiện, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để mạch nguồn di sản của cha ông mãi mãi trường tồn. Từ đó tạo điều kiện và khuyến khích việc xây dựng sản phẩm du lịch từ các di sản văn hóa để thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch địa phương.