Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

ND- Kết hợp kinh tế với quốc phòng là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một nền kinh tế phát triển toàn diện là điều kiện xây dựng một nền quốc phòng mạnh, còn một nền quốc phòng mạnh sẽ tạo môi trường phát triển và bảo vệ tốt thành quả kinh tế.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là hoạt động chủ động của một quốc gia trên cơ sở nhận thức và vận dụng các quy luật của hai lĩnh vực kinh tế và quân sự, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế, đồng thời ngăn chặn, hạn chế các tác động tiêu cực của chiến tranh, của phát triển quốc phòng đối với sự phát triển kinh tế. Sự kết hợp đó là hoạt động của toàn xã hội, song vai trò quyết định thuộc về Nhà nước.

Ở nước ta, kết hợp kinh tế với quốc phòng còn là sự tiếp nối truyền thống lịch sử dân tộc: dựng nước đi đôi với giữ nước. Ðó cũng là một chiến lược xuyên suốt của Ðảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Kết hợp kinh tế với quốc phòng phải thể hiện trong xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý; có chiến lược kinh tế đối ngoại đúng đắn; xây dựng và hoàn thiện không ngừng hệ thống quan hệ sản xuất; quân đội làm tốt chức năng vừa là lực lượng bảo vệ các thành quả kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là lực lượng xây dựng kinh tế; kết hợp kinh tế với quốc phòng trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.

Ngày nay, hoạt động kinh tế là trung tâm, hàng đầu, nhằm huy động mọi nguồn lực từ con người đến của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên, để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra những điều kiện vật chất, kỹ thuật quan trọng để củng cố quốc phòng, đó là xây dựng thế trận và lực lượng sẵn sàng đủ sức bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ (vùng đất, vùng biển, vùng trời), bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững và củng cố hòa bình, an ninh, ổn định trên cả nước, thúc đẩy công cuộc xây dựng kinh tế, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, hai nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng thống nhất về mục tiêu, định hướng phát triển.

Yêu cầu đặt ra đối với việc kết hợp kinh tế với quốc phòng ở nước ta hiện nay là:

Trong khi định ra đường lối, chính sách phát triển kinh tế phải quán triệt đường lối chính trị, quan điểm quốc phòng toàn dân của Ðảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững trật tự, hòa bình, ổn định về các mặt: chính trị, kinh tế, xã hội; không ngừng tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần tích cực tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng tự bảo vệ ở từng cơ sở, địa phương, để nếu tình thế bắt buộc nổ ra chiến tranh nhanh chóng chuyển thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.

Xây dựng quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang có khả năng bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc, giữ gìn hòa bình, tạo điều kiện an ninh thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Dựa vào sự phát triển kinh tế của đất nước, lấy phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng, thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội, kịp thời tận dụng những thành tựu mới nhất để củng cố quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân sự. Sử dụng hợp lý mọi tiềm năng của các lực lượng vũ trang làm kinh tế, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong các hoạt động quốc phòng. Duy trì ổn định quan hệ hợp lý giữa các tổ chức chuyên ngành quân sự với các hoạt động xã hội khác, tạo thành cơ cấu khoa học, hợp lý về phân công lao động xã hội.

Từ hai yêu cầu cơ bản nêu trên, những quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng ở nước ta hiện nay, là:

Một là, giải quyết tốt mối tương quan giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng; chủ động ngăn ngừa và loại trừ ngay từ đầu mưu toan lợi dụng hoạt động kinh doanh để lấn át ta về chính trị - xã hội, nhưng không vì thế mà gây cản trở giao lưu, phát triển kinh tế.

Ðây là quan điểm cơ bản và bao trùm nhất của chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Muốn đạt được sự tăng trưởng kinh tế theo hướng củng cố độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải lấy lợi ích kinh tế là động lực, phát triển kinh tế làm cơ sở, bảo đảm quốc phòng, an ninh là điều kiện.

Không đánh giá đúng mối tương quan giữa ba yếu tố trên để có một quan điểm kết hợp kinh tế quốc phòng, an ninh bảo đảm sự hài hòa các lợi ích ở từng cơ sở, địa phương, đến cả nước, thì lực lượng sẽ rất phân tán, nói nhiều đến kết hợp, nhưng kết hợp vẫn không đi được vào cuộc sống.

Trong xây dựng kinh tế, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân cải thiện đời sống, nâng cao quyền làm chủ của mình, thấy rõ tính hơn hẳn của chế độ, từ đó, kiên quyết bảo vệ chế độ.

Trong hoạt động quốc phòng và an ninh, cần nâng cao tư tưởng và kiến thức của mỗi người, để thấy rõ trong lợi ích dân tộc và chế độ, có lợi ích của chính mình, qua đó, tự nguyện, tự giác phấn đấu vừa là chiến sĩ kiên cường bảo vệ Tổ quốc, vừa là người lao động tốt.

Ðây là biện pháp cơ bản để khắc phục nhận thức quan niệm không đúng: coi quốc phòng, an ninh là hy sinh lợi ích cá nhân, là gánh nặng phải thực hiện, kết hợp kinh tế với quốc phòng là sự áp đặt phải làm cho nên thiếu tự giác, chủ động.

Hai là, phải linh hoạt, cụ thể trong việc vận dụng kết hợp kinh tế và quốc phòng trong từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở để thực hiện tốt ba loại nhiệm vụ: Cải thiện đời sống nhân dân, tích lũy để phát triển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từng lĩnh vực, từng ngành, từng cơ sở phải linh hoạt, phải từ những yêu cầu cụ thể về quốc phòng, an ninh mà chọn ra cách thực hiện kết hợp cả ba loại nhu cầu: cải thiện đời sống nhân dân; tích lũy để phát triển, mở rộng quan hệ với bên ngoài; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cách tốt nhất, có hiệu quả nhất là cách làm "một công hai, ba việc", đưa yêu cầu quốc phòng và an ninh trở thành phương hướng phát triển tất yếu của từng hoạt động kinh tế - xã hội.

Nghệ thuật kết hợp hai lợi ích kinh tế - quốc phòng là xác định cho đúng vị trí ưu tiên trên quan điểm cơ bản lâu dài là: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở phát triển kinh tế mà tăng cường kinh tế cho quốc phòng, an ninh.

 Ba là, bảo đảm chi tiêu cho quốc phòng phù hợp với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước tổ chức điều hành, bảo đảm cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện các yêu cầu của quốc phòng, an ninh.

Một bộ phận quan trọng các chi phí để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng phải trở thành chi phí nội tại trong mỗi hoạt động kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của toàn dân. Ngân sách quốc phòng chỉ dành riêng cho những chi phí thuần túy quân sự. Ðiều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu tư thực hiện các yêu cầu quốc phòng.

Bản thân việc bảo đảm hậu cần trong quân đội cũng phải đổi mới mạnh mẽ; cần được thực hiện thông qua quan hệ hàng hóa, tiền tệ.

Bốn là, quân đội phải trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là công việc của toàn Ðảng, toàn dân, của toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản. Nhưng quân đội phải là lực lượng nòng cốt, vừa bảo vệ các thành quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ sự ổn định chính trị - xã hội, đập tan mọi âm mưu diễn biến hòa bình trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa..., vừa xác định làm kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài của quân đội.

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, xuất phát từ tình hình thực tế của cách mạng Việt Nam cũng như truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên, ngay từ những ngày đầu thành lập, Ðảng ta đã chủ trương gắn biện pháp kinh tế với biện pháp quân sự để thực hiện các mục tiêu cách mạng.

Việc kết hợp này càng thể hiện rõ khi Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời. Từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu là Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, lực lượng vũ trang của Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất.

Một trong những phẩm chất truyền thống quý báu của quân đội ta trong chức năng của một "đội quân sản xuất" là luôn luôn đi đầu, tiến quân về những miền gian khó, "khai sơn phá thạch", sẵn sàng chịu đựng gian khổ, khó khăn, làm hết sức mình, góp phần đưa đến cuộc sống mới cho nhân dân nơi vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược.

Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các Khu kinh tế - quốc phòng (KT - QP) ở những vị trí chiến lược dọc tuyến biên giới đất liền, ven biển. Ðến nay, Bộ Quốc phòng  đang triển khai xây dựng 22 Khu KT - QP, ba dự án lấn biển và hai điểm dân cư mới. Mô hình Khu KT - QP do quân đội triển khai được Ðảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Các Khu KT- QP từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Các Ðoàn KT - QP thật sự là lực lượng nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Quân đội cũng đã tích cực tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên biển, đảo, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, hải sản, đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; tham gia xây dựng và phát triển ngành đóng tàu biển (sửa chữa, đóng mới tàu quân sự và tàu dân sự, các loại tàu biển chuyên dụng); dịch vụ biển (dịch vụ thăm dò khai thác dầu khí trên biển, dịch vụ bay dầu khí biển); dịch vụ cảng biển (xếp dỡ hàng hóa, trung chuyển Container...), trồng rừng trên đảo... Các lực lượng quân đội tham gia phát triển kinh tế biển, nhất là các đội tàu đánh bắt cá xa bờ đã kết hợp tốt giữa sản xuất kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên các vùng biển và làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng khác của ta phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ở các vùng biển, đảo xa bờ.         

Ðầu mối doanh nghiệp kinh tế- quốc phòng được tinh giản phù hợp với tổ chức, biên chế và chức năng, nhiệm vụ của quân đội, hoạt động gắn chặt với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và diễn biến phức tạp  của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đối với nền kinh tế nước ta, các doanh nghiệp quân đội vẫn đứng vững trên các địa bàn chiến lược, vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt, đã xuất hiện những thương hiệu của các doanh nghiệp quân đội tham gia hoạt động kinh tế, khẳng định sự tăng trưởng vững chắc và định hướng rõ chiến lược phát triển ở các lĩnh vực: bưu chính - viễn thông (Viettel); bay dịch vụ (SFC); dịch vụ ngân hàng (MB); dịch vụ cảng biển (SNP); đóng tàu biển; xăng dầu (MP); khai thác khoáng sản, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn chiến lược... Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quân đội phát triển tương đối ổn định, vững chắc, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Các đơn vị bộ đội thường trực đẩy mạnh tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh vườn, tổ chức sản xuất tập trung (mô hình tăng gia ba cấp), vừa tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ với giá thành hợp lý để giữ ổn định bữa ăn hằng ngày của bộ đội, vừa tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động của  đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập (cơ sở nghiên cứu khoa học, bệnh viện, nhà trường, đoàn nghệ thuật, cơ sở dạy nghề...) tổ chức tốt hoạt động dịch vụ gắn với kỹ thuật, chuyên môn, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo nguồn thu góp phần tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ; hỗ trợ cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của đơn vị; đóng góp một phần cho ngân sách quốc phòng.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi quân đội ta tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.