Ngư dân Hải Phòng bám biển, vươn khơi

NDO - Trong vụ cá bắc vừa qua, bà con ngư dân Hải Phòng đã ra khơi đánh bắt đạt sản lượng 22 nghìn tấn thủy sản, tăng gần 24% so kế hoạch. Trong bối cảnh giá cả leo thang từng ngày, nhất là giá xăng dầu, ngư dân Hải Phòng vẫn duy trì bám biển đánh bắt thủy sản.

Liên kết đội tàu vươn ra khơi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hải Phòng, vụ cá bắc vừa qua, sản lượng khai thác thủy sản của bà con ngư dân Hải Phòng đạt hơn 22 nghìn tấn, tăng gần 24% so kế hoạch và tăng cao hơn vụ cá bắc năm trước. Ngư dân ở hầu khắp các địa bàn trong thành phố đều 'trúng' mùa với sản lượng khá. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản từ các tàu vươn khơi gần 18 nghìn tấn. Ðây là con số đáng mừng khi ngư dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Có được kết quả này, ngư dân Hải Phòng đã và đang nỗ lực vượt khó, từng bước tổ chức lại sản xuất, liên kết bám biển, giảm chi phí sản xuất.

Hải Phòng hiện có 4.500 tàu thuyền hoạt động nghề cá, trong đó có 342 tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV, tập trung ở các địa phương trọng điểm như Thủy Nguyên, Ðồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy... Lớn nhất là Tập đoàn đánh cá Nam Triệu, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên với 850 phương tiện đánh bắt và dịch vụ. Trong đó phần lớn là phương tiện đánh cá có công suất máy từ 20 CV trở lên (527 chiếc), hơn nửa trong số đó là tàu có công suất từ 90CV trở lên có thể đi biển xa, dài ngày. Tập đoàn trưởng Tập đoàn đánh cá Nam Triệu Vũ Văn Cự cho biết, với thu nhập nghề cá 150 tỷ đồng/năm, nghề biển chiếm 70% kinh tế của xã. Hơn 10 nghìn dân trong xã trực tiếp với nghề biển từ đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ chài lưới, vật tư, nguyên liệu đến sửa chữa, đóng mới tàu thuyền đánh cá. Từ đầu năm đến nay, do giá cả tăng cao, nhất là giá xăng dầu, không ít ngư dân đã phải neo thuyền, treo lưới, lên bờ vì các chuyến đi biển thu không đủ chi. Những khoản tiền để ra từ vụ cá bắc, tiền dành dụm bấy lâu cứ lần lượt đi theo các chuyến đi biển. Có người đã phải tính đến chuyện bán tàu, chuyển nghề ...

Trước tình hình đó, Tập đoàn đã động viên các thành viên từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư hợp lý và liên kết vươn khơi để vừa giảm chi phí, vừa bám ngư trường. Quỹ tín dụng nhân dân của xã tuy chỉ có nguồn vốn 12 tỷ đồng, nhưng cũng đã góp sức giải quyết phần nào về vốn đầu tư cho ngư dân lúc khó khăn.Tập đoàn tư vấn, vận động các thành viên chọn nghề phù hợp, hỗ trợ vốn cho các hộ mua sắm phương tiện phát triển sản xuất. Nhưng điều quan trọng nhất là Tập đoàn đã định hướng cho các thành viên về thời điểm, khu vực biển nào có thể khai thác nghề nào phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Tập đoàn còn mạnh dạn hỗ trợ một phần nguyên liệu dầu cho một số tàu đi thăm dò, tìm kiếm ngư trường khai thác tốt, thông báo cho các tàu khác trong Tập đoàn đến cùng đánh bắt. Nhờ vậy, nghề biển ở Lập Lễ, nhất là nghề chụp mực vẫn được duy trì và phát triển. Ông Ðinh Như Sở, 61 tuổi ở thôn Lạch Sẽ, người đã bốn mươi năm có lẻ gắn bó với biển khơi, thuộc biển như lòng bàn tay cho biết, cũng như nhiều gia đình khác trong xã, nghề cá đã 'cha truyền, con nối' trong gia đình, nếu bỏ nghề cả gia đình không biết làm gì để sinh sống. Bằng kinh nghiệm và thực tiễn của mình, ông cho rằng, phải đầu tư đóng tàu lớn, vươn khơi, bám biển dài ngày và có chính sách bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, biển cả vẫn là nguồn sống của người đi biển. Nhiều hộ như gia đình ông Ðinh Như Cường, ở thôn Lạch Sẽ; ông Ðinh Như Xưa, ở thôn Láng Cáp... mạnh dạn đầu tư đóng các thuyền lớn, đi biển dài ngày, vẫn có thu nhập tốt. Trong lúc được xem là thời kỳ khó khăn đối với nghề biển, nhưng các xưởng đóng tàu trong xã vẫn tấp nập hoạt động. Mọi người đang tập trung hoàn thành hơn chục chiếc tàu đánh cá lớn cho các hộ dân trong xã để sớm có thể ra khơi khai thác trong những ngày tới.

Cũng giống như ở Lập Lễ, ngư dân phường Ngọc Hải (Ðồ Sơn) và Ðại Hợp (Kiến Thụy) chọn giải pháp liên kết thành đội tàu để vươn ra khơi. Thay vì đơn lẻ ra khơi, giờ đây ngư dân ra khơi thành cụm từ ba đến năm tàu để hỗ trợ nhau trên biển. Khi các thuyền đã đánh bắt được nhiều thì tập trung lại cho một, hai phương tiện vận chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ nơi gần nhất và mang nguyên liệu quay trở lại ngư trường. Giải pháp này không những giảm được chi phí nhiên liệu, vật tư cho các chuyến đi biển mà còn ứng cứu, hỗ trợ nhau khá hiệu quả khi xảy ra sự cố hay hỏng hóc phương tiện trên biển. Mặt khác, các tập đoàn, đội tàu thường chọn giải pháp cử một số tàu đi thăm dò trên các ngư trường, khi phát hiện luồng cá, bãi cá có thể đánh bắt tốt mới thông báo cho các tàu khác ra khơi cùng khai thác. Ðây là cách làm được đánh giá là hiệu quả cao khi mà chi phí mỗi chuyến đi biển hiện đã tăng hơn 30% so trước đây. Chỉ tính riêng trong vụ cá bắc, với 171 tàu, ngư dân Ngọc Hải (Ðồ Sơn) đã đánh bắt hơn 2.800 tấn thủy sản, đạt doanh thu hơn 61 tỷ đồng, tăng 10% so vụ cá bắc năm trước.  Trong đó, hầu hết các tàu khơi đều cho thu nhập cao hơn hẳn các nghề khác. Trong khi thu nhập trung bình của lao động đi biển của phường chỉ là 3,5 triệu đồng/tháng, thì  tàu đi khơi của các ông Lưu Ðình Dũng, Lưu Ðình Ðông, Ðỗ Văn Hùng đều đạt mức thu nhập cao từ 8,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Cũng nhờ mô hình liên kết vươn khơi mà trong vụ cá vừa qua, ba tàu có sự cố, gặp nạn trên biển đã được các tàu bạn hỗ trợ, giúp đỡ kéo về bến an toàn.

Ðối với các tàu nhỏ, làm nghề ven lộng, khi chi phí tăng cao, bà con cũng tìm hướng khắc phục, không để tàu nằm bờ bằng cách chọn thời điểm có nhiều loại cá đặc sản ven bờ để tập trung đánh bắt, lấy thu nhập cao bù chi phí đi biển. Ngư dân Nam Hải (Hải An), Tân Trào (Kiến Thụy), Ngọc Hải, Bàng La (Ðồ Sơn), Vinh Quang (Tiên Lãng)... tổ chức đánh bắt cá mòi, cá hói, cá khoai, sứa...  Riêng từ tháng 3-2011 đến nay, khi việc đánh cá không thu được lợi nhuận, bà con ngư dân ở Ðồ Sơn, Cát Bà, Nam Hải (Hải An) lại mở rộng khai thác, chế biến sứa - một loại hải sản đang được ưa chuộng ở trong nước và ngoài nước và cũng mang lại một khoản lợi nhuận khá cho ngư dân.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ ngư dân ổn định phát triển sản xuất và đời sống. Như trong đợt tăng giá xăng dầu năm 2008, Quyết định số 289/QÐ-TTg của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn giúp ngư dân ổn định và phát triển sản xuất. Cùng với đó, nhiều hộ ngư dân được hỗ trợ một khoản tiền trong đóng mới, mua sắm mới tàu có công suất lớn từ 90 CV trở lên hoặc hoán đổi máy tiêu hao ít nhiên liệu đối với các tàu có công suất nhỏ hơn để tiếp tục vươn khơi sản xuất. Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ thêm 30% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên...

Hiện nay, chi phí một chuyến đi biển đã tăng 30% so trước đây. Anh Ðinh Như Cường, ngư dân thôn Lạch Sẽ, chủ tàu HP 090240TS cho biết, giá xăng, dầu, điện tăng trở thành áp lực trong mỗi chuyến vươn khơi. Hiện chi phí cho một chuyến đi biển 20 ngày, tàu của anh đã hết gần 90 triệu đồng. Trong đó, tiền dầu vẫn là lớn nhất với hơn 60 triệu đồng; tiền 300 cây đá lạnh bảo quản cũng hết gần mười triệu đồng (giá điện tăng thì giá đá lạnh cũng tăng), còn lại là tiền nhân công và chi phí ăn uống... Trong khi trước đó, mỗi chuyến chỉ chi phí khoảng 60 triệu đồng. Mỗi chuyến đi biển như vậy, nếu đánh bắt sản lượng đạt dưới trăm triệu đồng thì 'lỗ'. Ðó còn chưa kể khấu hao tàu và ngư lưới cụ... Giá cả tăng cao khiến nỗi vất vả, khó nhọc của ngư dân càng tăng lên. Những chuyến đi biển phải chịu lỗ vốn không phải là ít. Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Hải (Ðồ Sơn) Trần Quang Hợp cho biết: Thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, toàn phường có tới 157 tàu cá trong tổng số 171 tàu của ngư dân phường đã phải nằm bờ do số thu mỗi chuyến đi biển không đủ bù chi phí do giá dầu tăng cao.

Với những người cả đời gắn với nghề biển, cuộc sống là biển cả, bà con ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, vươn khơi. Vừa bằng mọi cách giảm chi phí, vừa liên kết, hỗ trợ nhau họ vẫn duy trì bám biển trong lúc khó khăn. Mong muốn của bà con hiện nay là Nhà nước cần có những giải pháp, hỗ trợ cụ thể, nhất là trợ giá dầu để ngư dân tiếp tục bám biển sản xuất dài lâu, nhất là cần tiếp tục đầu tư có chọn lọc để tăng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Các cấp, các ngành chức năng cũng cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, để ngư dân tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng các chính sách về hỗ trợ vay vốn; khai thác, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm khai thác ổn định bền vững.