Quảng Ninh : Diễn đàn "Thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế"

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định một trong những mục tiêu cơ bản là "Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển". Để đạt được mục  tiêu này, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Các sản phẩm "hàng hóa" từ biển phải có khối lượng lớn và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa với việc xây dựng "thương hiệu biển" ở tầm khu vực và quốc tế. Thương hiệu biển biểu hiện và được xây dựng ở nhiều cấp độ: thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, lĩnh vực kinh tế biển và vùng địa lý... Thương hiệu biển luôn được xây dựng bởi các yếu tố tài nguyên và môi trường biển, đặc biệt là thương hiệu theo vùng địa lý biển.

 Đồng thời thương hiệu biển cũng được đặc trưng bởi tính kết nối của các yếu tố ở quy mô khác nhau như: người tiêu dùng/hưởng dụng, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, ngành/lĩnh vực, quốc gia và quốc tế...Xây dựng và phát triển thương hiệu biển là công cụ để liên kết tiềm năng, khai thác lợi thế của các địa phương với doanh nghiệp, của các vùng biển, tạo nên mục tiêu và động lực cho sự tăng trưởng. Việt Nam cần xác định, phân loại, quản lý tốt các vùng/khu vực biển để đảm bảo"nguồn vốn tự nhiên" cho phát triển lâu dài các ngành kinh tế thuỷ sản, du lịch, dịch vụ, tạo ra sức hấp dẫn đối với những người hưởng dụng biển và cho hoạt động đầu tư phát triển. Những cái tên: vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, vịnh Nha Trang, Lăng Cô, đảo Phú Quốc sẽ là điểm nhấn cho thương hiệu biển Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong việc xây dựng thương hiệu biển hiện nay như: phương thức quản lý thống nhất và tổng hợp về biển, hải đảo còn khá mới mẻ với các nhà quản lý, hoạch định chính sách; chưa xác lập cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau; tình hình sử dụng biển, hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững ; ít chú trọng các giá trị chức năng, phi vật chất có khá năng tái tạo…

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu tham luận góp ý để xây dựng một thương hiệu biển Việt Nam mạnh như: Thương hiệu biển Việt Nam-Phương pháp tiếp cận mới trong khai thác tiềm năng biển đảo Việt Nam; Những đặc thù, độc đáo của biển Việt Nam so với các vùng biển khác trên thế giới từ góc độ tài nguyên và môi trường biển; Xây dựng thương hiệu biển Việt Nam- nhìn từ đặc  trưng văn hoá biển; Vai trò của chính quyền địa phương trong xây dựng và truyền bá thương hiệu biển Việt Nam-Chia sẻ kinh nghiệm với Quảng Ninh...

Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có 2 cuộc hội thảo bên lề là: "Xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam" và "Cơ hội và thách thức trong xây dựng thương hiệu thuỷ sản Việt Nam".

Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia chia sẻ các quan điểm nghiên cứu, bài học và kinh nghiệm thực tế; tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm từ biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới, cũng như để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý biển đảo và địa phương, quốc gia và quốc tế trong khai thác tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế biển hiệu quả theo tinh thần của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Quang Thọ