Kiên Giang khai thác kinh tế biển theo hướng bền vững

NDO -

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang xác định thủy sản biển là ngành kinh tế mũi nhọn, với nghề đánh bắt trên ngư trường. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu biển Việt Nam, trữ lượng cá, tôm trên vùng biển Kiên Giang khoảng 470 nghìn tấn, hằng năm có thể khai thác đánh bắt hơn 210 nghìn tấn. Thế mạnh kinh tế nổi trội này đang được tỉnh đầu tư phát triển khai thác hiệu quả, bền vững.

Tỉnh Kiên Giang triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cụ thể hóa các chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Chính phủ. Tỉnh chủ động kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế, liên doanh, liên kết đầu tư nguồn nhân lực, vốn, vật tư, phương tiện, áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và cam kết không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, cào bờ, cào bay... để đánh bắt thủy, hải sản; không khai thác, mua bán, chế biến các loại thủy, hải sản trong mùa sinh sản, không vi phạm vùng ngư trường cấm đánh bắt.

Tỉnh Kiên Giang hiện có đoàn tàu cá hơn 12.400 chiếc, trong đó hơn ba nghìn tàu công suất lớn đủ khả năng đánh bắt xa bờ và 261 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khai thác đánh bắt thủy, hải sản của Kiên Giang đang phát triển theo hướng vươn mạnh ra khơi xa, đặc biệt là hợp tác với các nước trong khu vực, giảm dần đánh bắt ven bờ. Hàng trăm tổ, đội được hình thành khai thác đánh bắt trên ngư trường, vừa hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, thu gom sản phẩm khai thác. Nhiều năm qua, tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác đánh bắt thủy, hải sản. Năm 2012, tổng sản lượng thủy, hải sản khai thác hơn 421 nghìn tấn các loại và những tháng đầu năm nay hơn 150 nghìn tấn.

Tỉnh tăng cường hỗ trợ ngư dân khai thác ở vùng biển xa bờ, trang bị máy thông tin liên lạc HF tầm xa trên biển có tích hợp thiết bị vệ tinh GPS. Trạm bờ và máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa trên tàu cá bước đầu đáp ứng yêu cầu liên lạc và xác định vị trí tàu cá, giúp ngư dân yên tâm khai thác đánh bắt trên ngư trường. Tỉnh đang dồn sức tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản biển trở thành trung tâm nghề cá lớn, hiện đại của cả nước trên vùng biển Tây Nam.

* Bước vào năm 2013 trên cơ sở phân tích khách quan kết quả môi trường cạnh tranh năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo tiếp tục phát huy những chỉ số được cải thiện, nhìn lại những nguyên nhân các chỉ số còn hạn chế để có những giải pháp khắc phục hiệu quả. Tỉnh tập trung kiện toàn cơ quan chỉ đạo công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức lại hệ thống cơ quan chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp, phê duyệt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Mở rộng nhiều hình thức cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều hành của cơ quan Nhà nước. Tỉnh cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin và quy trình, thủ tục hành chính; nghiên cứu sửa đổi các chính sách và quy định không còn phù hợp... Trong quý II năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ hoàn thành việc xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bằng chất lượng, hiệu quả. Ðồng thời, xác định rõ các ngành làm hạ bậc PCI trong năm 2012 và có cơ chế xử lý nếu tiếp tục làm giảm năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Theo khảo sát mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có chung đánh giá: Chỉ số PCI những năm qua đã phản ánh tương đối chính xác môi trường kinh doanh trên địa bàn. Thời gian qua Bắc Ninh đã coi trọng tiếp tục phát huy những chỉ số được cải thiện, đánh giá đúng các chỉ số còn hạn chế để có những giải pháp khắc phục hiệu quả, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn.