Chúng tôi đi, mang theo lời chúc của đất liền, và mang cả những câu ca không dứt của các em sinh viên cùng đi trên con tàu HQ 936 ra với Trường Sa. Những bàn tay vẫy chào tiễn biệt trên bến cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm khuất trong làn khói sóng mịt mùng. Chiều sập tối nhanh trên biển. Ðứng trên mạn tàu, tôi nghe con tàu rẽ nước ràn rạt; nghe tiếng máy chạy đều đều và cả những tiếng hát dìu dặt trên boong cao. Lời ca hòa cùng tiếng sóng: "Ðêm Trường Sa ngồi nhớ về Trường Sơn...". Biển, lại nhớ rừng. Trường Sơn, rừng xanh in dấu một con đường huyền thoại, mặc cho mưa bom, bão đạn, từng chuyến xe vẫn đi miệt mài, vì miền nam phía trước. Trường Sa, biển biếc rộng tay ôm lấy những con tàu không số mở đường Trường Sơn trên biển, đưa bộ đội ta ra giải phóng những miền biển đảo quê hương. Tôi nhìn trong một góc con tàu, những mầm cây thuốc xanh non của Hội Ðông y tỉnh Khánh Hòa đem ra Trường Sa cứ đong đưa, đong đưa như muốn chào hòa nhập cùng miền quê biên viễn.
Trường Sa đang ở ngoài kia, phía vầng trăng đang nhô lên từ mặt nước.
Ðêm dần trôi. Biển bàng bạc một mầu trăng huyền diệu. Ðèn thuyền đánh cá nhấp nhánh như những vì sao trôi trên sóng. Mũi tàu hướng thẳng về đông. Bây giờ, tôi được đi ra miền biển đảo của Tổ quốc trên một con tàu lớn, hiện đại như thế này. Chợt nghĩ, ngày xưa, ông cha mình cũng với hải trình ấy, nhưng đi với chỉ những ghe bầu, những thuyền buồm bé nhỏ, cộng với... kinh nghiệm. Ði tàu, mỗi giờ chạy hàng chục hải lý, mà đường vẫn cứ dài hun hút, vẫn cứ xa diệu vợi. Biển bờ quê hương dài rộng vậy. Không biết những người con theo chân cha Lạc tự ngày nào đi ra biển khai lối sinh nhai, mở mang bờ cõi mỗi chuyến đi như vậy mất hết bao lâu? Chắc không ai tính được. Không ai lường được. Bởi, đại dương ẩn chứa vô cùng bất trắc. Mồ hôi của đồng bào tôi đã đổ ở đây. Xương máu của đồng bào tôi đã rơi ở đây. Cho nên, đã có lần tôi gọi những vùng biển đảo nơi này là những giọt máu thiêng. Phải. Thiêng, vì nhiều lẽ. Thiêng, vì đó là một phần máu thịt của Việt Nam. Và những giọt máu thiêng ấy cứ mãi đượm mầu, cứ mãi lưu thông trong cùng một huyết quản Việt Nam. Giọt máu thiêng? Vâng! Là tôi xin được mượn lời của người lính - nhà thơ Trần Ðăng Khoa. Trên Trường Sa, trong một thời khắc không kìm được lòng mình, anh đã thảng thốt bật kêu lên:
...Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi!...
Trên chuyến tàu tôi ra Trường Sa hôm nay, có hai con người rất đặc biệt. Họ là hai thế hệ khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung là đều mang trong mình dòng máu anh hùng.
Người thứ nhất là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ðại tá Nguyễn Ngọc Quế, Ðoàn đặc công 126 Hải quân, người chỉ huy đội đặc công nước đổ bộ, phối hợp chiến đấu và giải phóng đảo Song Tử Tây trong những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 35 năm. Ngày ấy, Ðoàn đặc công 126 Hải quân; Lữ đoàn 125 và lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ giải phóng quần đảo Trường Sa. Cờ chiến thắng phấp phới bay trên các đảo. Giang sơn từ nay thu về một mối. Một phần máu thịt của Việt Nam lại về với máu thịt Việt Nam. Nhưng, giữa chừng câu chuyện, đột nhiên ông dừng lại. Mãi một lúc sau ông mới tiếp tục được, bởi quá xúc động khi nói về những đồng đội của mình đã ngã xuống trong giây phút đất nước sắp thống nhất.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, đã nhiều lần Ðại tá Nguyễn Ngọc Quế ra thăm lại Trường Sa. Ông bảo, lần nào cũng có một cảm xúc mới mẻ. Vẫn hồi hộp. Vẫn mong chờ. Và tận trong sâu thẳm lòng mình, về lại nơi này, ông lại được sống với những hoài niệm roi rói về những tháng ngày dữ dội và hào hùng của một thuở trẻ trai. Ðã 35 năm trôi qua. Thời gian đủ để một đứa bé sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Còn trong ông, quãng đường ấy có biết bao nhiêu chiêm nghiệm, để người lính mãi thắp sáng một niềm tin đến tương lai.
Chăm sóc rau xanh trên đảo
Người thứ hai tôi muốn nói đến là cháu Trần Thị Thủy, con gái của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương - người đã hy sinh anh dũng trong trận chiến không cân sức giữ đảo ngày 14-3-1988 trên vùng cụm đảo Sinh Tồn. Mắt đã nhắm; tim đã ngừng đập mà tay anh vẫn ôm trọn lá cờ Tổ quốc đã thấm đẫm máu mình. Lần nào ra Trường Sa, lần nào dự lễ tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên những vùng biển đảo, nghe nhạc chiêu hồn, nghe tiếng còi tàu trầm đục, nghe lời thề của những người lính biển hôm nay... tôi luôn nghe như có một điều gì đó thôi thúc ở trong lòng. Và, cũng từ những tình cảm ấy, tôi mới gọi nơi này là giọt máu thiêng. Dự lễ tưởng niệm lần này, cháu Thủy khóc nhiều. Chắc hẳn, cháu đã thầm gọi, bố ơi, bố đang ở đâu trong một vùng trời biển mênh mông thế này? Khi anh Phương hy sinh, cháu Thủy mới chỉ là một thai nhi hai tháng tuổi. Một người cha ra đi không về, chưa kịp nhìn thấy con. Một người mẹ đương kỳ trăng mật đã vội thành quả phụ. Một đứa bé chưa chào đời đã hóa cút côi. Cút côi mà không biết mặt cha. Nỗi đau dần hóa thành trầm tích, chôn sâu. Lặng lẽ, và muôn đời. Trên tàu, cháu Thủy lắm lúc ngồi đăm đăm nhìn biển. Có lẽ, cháu cố tìm trong những khoảng không vô cùng đó hình bóng cha mình. Học ngành du lịch ở Quảng Bình quê nhà, nhưng bây giờ Thủy lại công tác ở UBND huyện Trường Sa, nơi ngày nào người cha thân yêu hằng gắn bó. Còn ở quê nhà, mẹ cháu vẫn ngày ngày một sương hai nắng cùng đồng ruộng; chăm chút mộ phần của bố; rồi hằng đêm về, cứ nghe lòng thổn thức với bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ, với những kỷ vật bố còn để lại.
Ðất liền gửi trọn niềm tin vào những người lính đảo. Ðể rồi, cứ một ngày biển đảo yên bình cũng là một ngày trong những người lính đong đầy thêm nỗi nhớ. Nhớ nhà. Nhớ mẹ già. Nhớ cả người bạn gái bên nhà tóc vương mùi bông bưởi. Rồi những cánh thư quê ra, nghe như có hơi thở trên từng nẻo phố, bờ tre. Nhớ vậy, thương vậy, cho nên cố gắng, cho nên thêm phần vững chãi. Như những cây phong ba, những cây bão táp trên đảo đứng giữa gió giật, mưa cuồng mà lá vẫn non tơ.
Cách mới hai năm, nay tôi ra lại Trường Sa. Trường Sa đổi thay nhiều quá, nhanh quá. Ấn tượng nhất vẫn là một mầu xanh, xanh đến nao lòng, một mầu xanh đầy sức sống. Ðảo nào cũng xanh hơn rất nhiều. Biển xanh. Trời xanh. Và cây xanh. Cây cối, vườn rau nhờ chăm chút kỹ càng cho nên lên tươi tốt. Bây giờ, đêm xuống, Trường Sa lung linh ánh điện. Nắng và gió là hai thứ Trường Sa không thiếu. Cho nên điện có nhiều. Những năm qua, tiềm năng to lớn về kinh tế biển của cả vùng biển đảo Trường Sa đang từng bước được phát huy. Ở Trường Sa, không chỉ có nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ngày đêm lao động sản xuất, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà còn có lớp lớp bao thế hệ ngư dân kiên cường bám biển, cùng phối hợp chặt chẽ thực hiện hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng. Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ở đây đang ngày càng thêm vững chắc. Trường Sa mùa này rộn ràng xây dựng. Nhiều công trình mới đang vươn mình trong nắng, thấp thoáng trong bóng cây xanh.
Từ lâu, tàu đánh cá của ngư dân ta luôn coi các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa là "bờ" của mình. Tàu có trục trặc gì, cứ việc lên đảo là yên tâm. Về phía mình, các đảo luôn coi công việc cứu hộ, cứu nạn tàu cá của dân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhiều đảo, như Ðá Tây chẳng hạn, mỗi năm đã hướng dẫn hàng mấy trăm lượt tàu vào lòng hồ trú tránh bão an toàn. Không chỉ có vậy, các tàu đánh cá của dân còn được cấp nước ngọt; giúp lương thực, thực phẩm, thuốc men... Hôm lên đảo Nam Yết, đến thăm trạm y tế, chúng tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Hồng, ngư dân tàu QNa 91739 TS bị tai nạn đang được điều trị, vết thương đã ổn định, đang chuẩn bị trở lại tàu. "Em bị bể khớp chân, máu chảy rất nhiều. Nếu không được cấp cứu kịp thời, chắc em không qua khỏi do mất quá nhiều máu" - anh Hồng nói.
Trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi ghé thăm cháu Bùi Hoàng Nhã Kỳ, mới sinh được sáu tháng. Bố cháu, anh Bùi Ðình Khải cho biết, việc sinh nở trên đảo hiện rất thuận lợi, an toàn. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra trong nắng gió Trường Sa ngày ngày được nghe xôn xao biển hát; được nghe hùng tráng những bài ca quân hành. Trường Sa đang lớn mạnh lên về nhiều mặt, ngày càng thêm vững vàng, hiên ngang trước sóng gió trùng khơi, là thành đồng vững chãi phía đông đất nước. Tôi đến một lớp học. Cô trò cùng dừng bài học để đón khách. Các em đang học những vần thơ về Tổ quốc. Cô giáo dạy các em biết yêu những ngôi nhà xinh xắn bên bờ biển xanh đầy nắng và gió. Cô giáo Bùi Thị Nhung khoe rằng các em ở đây học ngoan lắm. Chúng tôi lại đến thăm gia đình cô giáo Nhung. Chồng cô, anh Ðặng Thanh Chương làm hợp đồng với bộ đội, thu nhập của vợ chồng khá ổn định. "Thỉnh thoảng mình về thăm đất liền. Nhưng về đất liền lại nhớ đảo", cô giáo Nhung chia sẻ.
Ðêm Trường Sa, thoảng đưa có đôi tiếng chuông chùa. Tôi không là khách thương hồ, nửa đêm ru giấc cô miên mà nghe chuông ngân man mác của Trương Kế thi sĩ ngày xưa, nhưng quả thật, tiếng chuông chùa lúc nửa đêm nghe như hơi thở nồng nàn của một cuộc sống rất đỗi yên bình. Vâng, rất yên bình, giữa những phong ba, giông tố luôn rình rập, vây quanh. Khí phách Trường Sa là vậy. Hôm lên đảo Ðá Tây, trong ngôi miếu thờ đượm hương khói, tôi thầm đọc bài thơ Nam quốc sơn hà khắc trong bia đá. "...Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...". Phải. Phân định đã rõ ràng. Kẻ nào xâm phạm tới đất nước này sẽ bị đánh tơi bời. Tôi thắp một nén hương. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi thắp hương và thầm khấn một điều gì đó. Ðoạn, ông quay sang tôi, nói: "Quả thật, mình chưa bao giờ có cảm xúc thế này, ông ạ!".
Rồi ông cho biết thêm rằng, sắp tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ xã, thị trấn trên huyện đảo Trường Sa.
Ðảo Ðá Tây, nơi tôi đang đứng, có tiềm năng rất tốt trong việc khai thác, nuôi trồng cũng như làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Ðưa chúng tôi ra vùng nuôi trồng hải sản, anh Văn Thanh Toàn, Ðội trưởng đội nuôi cá lồng của Tổng Công ty hải sản Biển Ðông cho biết, hiện đang nuôi thử nghiệm hơn tám nghìn con cá hồng đen, cá chẽm, chim trắng... Cá phát triển rất tốt. Tổng Công ty đang tiếp tục mở rộng đối tượng nuôi, sau đó sẽ chuyển giao công nghệ cho quân và dân trên các đảo.
Không phải chỉ có riêng tôi, những ai từng đặt chân lên quần đảo Trường Sa đều có ấn tượng rất đẹp về những lời chào. Khách lên đảo, gặp anh em chiến sĩ đều được họ chào trước, một cách niềm nở và chân thành như thể gặp người nhà. Người dân, và cả các cháu bé cũng vậy. Cho nên, lên Trường Sa, ai cũng thấy một không gian, một tình cảm ấm nồng như ở quê mình, như ở nhà mình. Yêu thương, và thân thuộc.
Tôi đi miên man trong mầu xanh trập trùng trên đảo. Bên chiến hào, có người lính ôm đàn ghi-ta hát một khúc tình ca. Tôi lắng nghe tiếng ghi-ta. Có đủ sáu dây chứ không phải chỉ có một dây như những ngày xưa gian khó. Tôi biết, đàn có sáu dây, hay chỉ có một dây, họ vẫn hát. Hát khi hoàng hôn xuống. Và, hát cho mặt trời lên.
Trường Sa, Nha Trang, tháng tư - 2010
Bài và ảnh: PHONG NGUYÊN