Tạo bước đột phá hạ tầng, hậu cần nghề cá
Ngư dân miền trung đang gặp những khó khăn, thách thức lớn về nguồn vốn cũng như kỹ thuật đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Hiện nay nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ là khá lớn, trong khi đó các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước lại hết sức hạn chế. Mặt khác, hầu hết lao động trên các tàu cá đào tạo thiếu bài bản, chủ yếu hành nghề theo kiểu cha truyền con nối cho nên khó tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến. Vì vậy, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư cải hoán nâng cao công suất tàu, đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn, hỗ trợ trong việc đào tạo, ứng dựng công nghệ mới, tiên tiến vào khai thác hải sản. Trước hết, các địa phương cần có tầm nhìn và nhận thức mới trong việc giúp đỡ ngư dân thực hiện "cuộc cách mạng" cải hoán tàu nhỏ, đóng mới tàu lớn, coi đây là điều kiện tiên quyết để hình thành những "tập đoàn" đánh bắt xa bờ có hiệu quả. Hiện Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh miền trung đang thực hiện Ðề án hỗ trợ, cải hoán tàu, thuyền đánh bắt xa bờ theo Quyết định 289/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ðến nay, Quảng Nam giải ngân khoảng 12 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn. Ðặc biệt, HTX đóng, sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa) đã hỗ trợ ngư dân trên lĩnh vực đóng mới tàu đánh bắt xa bờ. HTX đã hợp đồng đóng mới hàng trăm chiếc tàu đánh cá công suất lớn cho ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Ðà Nẵng, Vũng Tàu, Hải Phòng. Chỉ vào đôi tàu đang sắp sửa hoàn thành, anh Phan Văn Dũng (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa) đã có 17 năm làm thợ ở đây cho biết: HTX hiện có bốn đội thợ kinh nghiệm đóng tàu lớn, công suất từ 450 CV trở lên, đạt chất lượng cao. Mỗi năm HTX có khả năng đóng mới khoảng 30 tàu đánh bắt xa bờ và không những chỉ ở Quảng Ngãi mà ngày càng nhiều ngư dân ở một số địa phương khác chọn Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy để đóng tàu lớn, đủ sức vươn ra khơi xa bám biển dài ngày.
Thời gian qua Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân một cách thiết thực và hiệu quả, nhất là Quyết định 48/2010/QÐ-TTg của Chính phủ đã ban hành ngày 13-7-2010 về "một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa". Ðây là chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS và hỗ trợ thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ. Quảng Ngãi là tỉnh đi đầu trong việc ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tỉnh tập trung xây dựng những Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đủ mạnh để phục vụ trực tiếp cho đoàn tàu đánh bắt xa bờ. Quảng Ngãi được Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) hỗ trợ lắp đặt hoàn thành Trạm bờ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS phục vụ tàu cá xa bờ. Ðây là những yếu tố thiết bị kỹ thuật chiến lược cần thiết, hỗ trợ đắc lực những con tàu thường xuyên neo đậu ở vùng biển đảo của Tổ quốc. Tàu đánh bắt xa bờ được gắn thiết bị định vị vệ tinh, bảo đảm chủ động truyền, thoại thông tin nhanh, chính xác khi gặp sự cố rủi ro cần hỗ trợ và các hoạt động khác trên biển với trạm bờ ở cự ly lớn hơn 500 hải lý. Hiện nay Quảng Ngãi đã gắn hệ thống thiết bị định vị vệ tinh GPS cho nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Ðây được coi là một trong những tiến bộ mới trong lĩnh vực hậu cần phục vụ tàu cá, bảo đảm khai thác hải sản có hiệu quả và hạn chế những rủi ro trên biển.
Vươn khơi với sức mạnh cộng đồng
Nhiều tổ chức xã hội hiện nay đã ra đời như Quỹ hỗ trợ ngư dân, Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá, v.v đã bước đầu tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân miền trung có điều kiện và niềm tin vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản. Những mô hình mới này hình thành ở một số địa phương như: Nghĩa Phú, Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa; Bình Châu, huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, Phổ Châu, huyện Ðức Phổ và An Hải, An Vĩnh, huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong khai thác hải sản; tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt trên biển. Ðồng thời tương trợ cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh, trật tự, bảo vệ tài nguyên quốc gia trên các vùng biển, đảo của Việt Nam. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi Ngô Thị Kim Ngọc nhấn mạnh: Việc hình thành những mô hình mới này là chủ trương đúng đắn, bởi đây là tổ chức đại diện cho bà con ngư dân với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển. Ðây còn là mái nhà chung cho ngư dân, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ về thiết bị, ngư cụ giúp họ đánh bắt hải sản có hiệu quả hơn. Ngư dân Lê Tân (44 tuổi) chủ tàu cá QNg 96119 TS, ở thôn Tây, xã An Hải, hiện đang đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa cho biết: Khi chính quyền địa phương đến vận động đăng ký vô nghiệp đoàn, tôi cứ mơ hồ không biết vô nghiệp đoàn để làm gì, mình có lợi gì không. Nhưng sau khi được nghiên cứu tài liệu và trực tiếp trao đổi với ngành chức năng của huyện thì tôi đã viết đơn xin đăng ký vào nghiệp đoàn, bởi đây là tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con ngư dân chúng tôi. HTX đánh bắt xa bờ Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra đời đúng lúc, hợp lòng dân. Ðây là HTX đánh bắt xa bờ đầu tiên trong cả nước hoạt động với hàng chục con tàu có công suất lớn thường xuyên neo đậu ở biển khơi. Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ nghề cá Bình Chánh Nguyễn Hữu Ngọt cho biết: Ngư dân ở đây chủ yếu phát triển mạnh nghề câu mực khơi với 82 tàu và 2.300 lao động chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ. HTX dựa vào điều kiện thực tế, tổ chức hoạt động cung cấp các dịch vụ cho ngư dân hợp lý. HTX bước đầu đã cung ứng ngư cụ, nhu yếu phẩm, tư vấn dịch vụ công, tín dụng nội bộ, đóng mới và cải hoán tàu thuyền, tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm với khoảng hơn 3.000 tấn hải sản các loại trong năm.
Không chỉ có Quảng Ngãi, qua trao đổi ý kiến với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Biện Minh Tâm, chúng tôi được biết: Việc thành lập tổ tàu, thuyền an toàn là cách làm đem lại hiệu quả cao cho nghề đi biển. Phú Yên vận động thành lập 102 tổ tàu, thuyền an toàn, với 860 phương tiện và gần 6.000 thuyền viên tham gia. Tổ tàu, thuyền an toàn đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hoạt động trên địa bàn khá rộng, từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra đến Hải Phòng, Quảng Ninh đã bảo đảm được thông tin liên lạc với nhau giữa biển khơi và đất liền, với Bộ đội Biên phòng và từng hộ gia đình có tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Các hoạt động chính là đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ, hỗ trợ khai thác, bảo vệ môi trường và giải quyết sự cố trên biển. Còn ở TP Ðà Nẵng, hiện các ngư dân đã cùng nhau thành lập những tổ đội khai thác hải sản để hỗ trợ nhau lúc trên bờ cũng như khi đi đánh bắt ngư trường xa. Hiện TP Ðà Nẵng có 92 tổ đội với 658 tàu, trong đó đánh bắt xa bờ có 42 tổ với 164 tàu. Tỉnh Quảng Nam hiện có hai nghiệp đoàn nghề cá Tam Hải và Tam Quang vừa mới thành lập thu hút hơn 331 đoàn viên tham gia, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Hoạt động hiệu quả của nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang đã có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm không chỉ của ngư dân mà cả cộng đồng xã hội. Hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đang phối hợp ngành chức năng tìm cách hỗ trợ để các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh bảo đảm hoạt động ổn định. Nhiều giải pháp sẽ được triển khai như tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghiệp đoàn hoạt động; vận động để toàn xã hội cùng quan tâm, sẻ chia với ngư dân; tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách. Ðiều đó sẽ giúp nghiệp đoàn luôn đồng hành trong mỗi chuyến vươn khơi xa của ngư dân. Lê Văn Trí, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ phấn khởi tâm sự: "Nghiệp đoàn nghề là chỗ dựa vững chắc của ngư dân khi hành nghề trên biển xa. Không những ngư dân được giúp đỡ khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất mà còn được Quỹ "Mái ấm công đoàn" hỗ trợ kinh phí để cải thiện nhà ở. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Núi Thành Ðoàn Ngọc Thi cho biết: Hoạt động hiệu quả của các nghiệp đoàn nghề cá hiện nay đã tạo thêm sức mạnh tập thể cho ngư dân. Nghiệp đoàn không chỉ là một tổ chức xã hội giúp ngư dân giải quyết các tranh chấp lao động mà còn động viên ngư dân vượt khó, vững vàng vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền và nâng cao đời sống của chính mình.
Chiến lược biển Việt Nam đã và đang có bước đi cụ thể, rõ ràng. Các tỉnh duyên hải miền trung cần có tầm nhìn và nhận thức mới để triển khai thực hiện kịp thời các chính sách và hỗ trợ giúp ngư dân vững vàng vươn khơi đánh bắt hải sản có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.