Sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

Biển Ðông được bao bọc bởi các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunay, Malaysia, Singapore, Thái-lan và Cam-pu-chia, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 300 triệu dân.

Qúa trình giãn nở của trái đất, dịch chuyển các lục địa kết hợp với nhiều yếu tố tự nhiên khác làm thay đổi cấu trúc địa chất của lớp vỏ trái đất, hồ nước lớn dần thành vùng biển, thu hút biển Ma-lắc-ca, kết hợp với Vịnh Thái-lan và sau này Vịnh Bắc Bộ hình thành nên Biển Ðông. Biển Ðông có diện tích hơn 2,8 triệu km2, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái-lan, là con đường giao lưu và thương mại quốc tế nối liền Ấn Ðộ Dương, Thái Bình Dương và nhiều vùng biển khác, có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà cả với nhiều nước khác trên thế giới. Biển Ðông đã hình thành nên khu vực đường biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau Ðịa Trung Hải). Trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới thì có năm tuyến đi qua Biển Ðông hoặc có liên quan đến Biển Ðông.

Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú và đa dạng, tiềm năng phát triển kinh tế biển để làm giàu, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển là rất lớn. Tuy nhiên, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Trước hết, mặc dù chúng ta có các chương trình, dự án, đề tài điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về biển nhưng hiểu biết của chúng ta về Biển Ðông còn phải tiếp tục được nâng lên. Thiếu phương tiện, thiết bị, cán bộ có chuyên môn sâu và nguồn lực tài chính hạn hẹp nên thông tin, số liệu thu được chưa cao. Ðây là thách thức lớn nhất và trở ngại đầu tiên trên con đường tiến ra biển. Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ bắc vào nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Ðây là những nơi có điều kiện lý tưởng để các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển, tạo nên nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua. Chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi mất hẳn. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt. Chất lượng nước biển cũng đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng. Hằng ngày biển phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn từ đất liền, trực tiếp hoặc theo các lưu vực sông đổ ra biển. Cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải nhộn nhịp trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển nước ta.

Trong thời gian tới, khi đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển, tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao sẽ gia tăng mạnh áp lực lên tài nguyên, các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. Cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có lợi thế về biển, rất coi trọng tài nguyên và môi trường biển. EU, Mỹ, Nga, Canada, Australia, Anh, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực xác định sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của chiến lược biển quốc gia. Nhiều nước có Chiến lược về tài nguyên và môi trường biển như Ðức (Chiến lược sử dụng bền vững và bảo vệ biển), Na Uy (Chiến lược bảo vệ và sử dụng biển và vùng ven bờ)... Trong khuôn khổ chương trình hợp tác khu vực về quản lý môi trường biển Ðông Á do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ với sự tham gia của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Cam-pu-chia và Thái-lan, các nước đã thống nhất xây dựng chiến lược về phát triển bền vững vùng biển Ðông Á.

Ðể phát triển bền vững biển nước ta, trên cơ sở các định hướng chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cần có một chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển. Chiến lược sẽ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của nước ta. Ðẩy mạnh điều tra, khảo sát, nghiên cứu để hiểu hơn về biển, củng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, tiến tới hiểu rõ về tài nguyên dưới đáy biển, tiềm năng băng chảy, khả năng ứng dụng năng lượng thủy triều, sóng biển, v.v.; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền; phòng ngừa ô nhiễm từ các hoạt động trên biển và ô nhiễm xuyên biên giới; phòng, chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ là các nội dung quan trọng. Bên cạnh đó, biển và vùng ven biển là nơi diễn ra nhiều hoạt động đan xen với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Vì vậy, việc thúc đẩy sự phối hợp, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển, giảm các xung đột lợi ích, phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận yếu tố sinh thái trong phát triển biển và vùng ven biển đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

NGUYỄN VĂN TÀI