Quân đội với xây dựng kinh tế

Ðặc biệt, từ khi Ðảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết số 71/ÐUQSTW, ngày 25-4-2002 "Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trong thời kỳ mới - Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội", hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội ngày càng có nền nếp, đạt kết quả rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.

Những thành tích xây dựng kinh tế thời kỳ đổi mới

Nhiều thập kỷ qua, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu kinh tế - quốc phòng ở những vị trí chiến lược dọc tuyến biên giới đất liền, ven biển. Ðến nay, Bộ Quốc phòng đang triển khai xây dựng 22 Khu kinh tế - quốc phòng, ba dự án lấn biển và hai điểm dân cư mới. Các khu kinh tế - quốc phòng đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Các đoàn kinh tế - quốc phòng là lực lượng nòng cốt trong hoạt động xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư, củng cố và tăng cường quốc phòng an ninh trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ (mạng giao thông, công trình cấp điện sinh hoạt, nước sạch, trạm thủy điện, nhà ở, bệnh xá, trường học, phát thanh, truyền hình, nhà văn hóa, nhà chợ, các công trình phục vụ sản xuất,...); quy hoạch bố trí và ổn định hơn 73.500 hộ dân dân cư; khai hoang và trồng được gần 40.000 ha cây công nghiệp (chủ yếu là cao-su, cà-phê, điều cao sản).

Cùng với tuyến biên giới đất liền, quân đội đã tích cực tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng an ninh trên biển, đảo, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, hải sản, đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; tham gia xây dựng và phát triển ngành đóng tàu biển (sửa chữa, đóng mới tàu quân sự và tàu dân sự, các loại tàu biển chuyên dụng); dịch vụ biển (dịch vụ thăm dò khai thác dầu khí trên biển, dịch vụ bay dầu khí biển); dịch vụ cảng biển (xếp dỡ hàng hóa, trung chuyển công-ten-nơ...), trồng rừng trên đảo... Các lực lượng quân đội tham gia phát triển kinh tế biển, nhất là các đội tàu đánh bắt cá xa bờ đã kết hợp tốt giữa sản xuất kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh trên các vùng biển và làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng khác của ta phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ở các vùng biển, đảo xa bờ.

Các doanh nghiệp quân đội được sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Số lượng đầu mối doanh nghiệp được tinh giản phù hợp với tổ chức, biên chế và chức năng, nhiệm vụ của quân đội, hoạt động gắn chặt với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Sau cổ phần hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cổ phần hóa có hiệu quả hơn; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, như: doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động đều tăng cao. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đối với nền kinh tế nước ta, các doanh nghiệp quân đội vẫn đứng vững trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt, đã xuất hiện những thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp quốc phòng tham gia hoạt động kinh tế ở một số lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng, khẳng định sự tăng trưởng vững chắc và định hướng rõ chiến lược phát triển ở các lĩnh vực: xây dựng, bưu chính - viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển, đóng tàu biển, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn chiến lược... Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quân đội luôn bảo đảm đúng định hướng, chấp hành đúng luật pháp Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng, nhịp độ phát triển tương đối ổn định, vững chắc, bắt nhịp được với tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước. Các chỉ tiêu tổng hợp đạt được năm năm gần đây: doanh thu tăng 179%, lợi nhuận trước thuế tăng 476,5%, nộp ngân sách tăng 517%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 102%. Với kết quả đó và đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước, có thể khẳng định, hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả tương đối cao, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp trong quân đội

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội còn một số mặt cần khắc phục như: tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm; nhìn chung, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp quân đội chưa cao. Hoạt động kinh tế đối ngoại còn hạn chế, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư còn thấp; việc xử lý các vướng mắc, tồn đọng trong một số công ty liên doanh chưa dứt điểm. Một số đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phát huy đầy đủ tiềm năng để sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế, chưa chú trọng việc quản lý, hiệu quả hoạt động của loại hình này.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng kinh tế. Theo đó cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan, bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thể các khu kinh tế - quốc phòng trên đất liền và trên biển, đảo đến năm 2020 và những năm tiếp theo; trong đó, chú trọng việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, tạo lập cuộc sống bền vững gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Từng bước thực hiện chuyển đổi một số khu kinh tế - quốc phòng đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giao cho địa phương quản lý. Tập trung cho các công trình trực tiếp phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng mới các khu kinh tế - quốc phòng được xác định trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên... Triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch trồng rừng vành đai biên giới; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Ðẩy nhanh việc khảo sát, triển khai các dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng trên biển, đảo, trọng tâm là tham gia phát triển các loại hình kinh tế có hiệu quả và mang tính chất đặc thù quốc phòng, có khả năng kết hợp tốt giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh; tích cực chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng phát triển các hoạt động dịch vụ biển, chuyển đổi và xã hội hóa các ngành trực tiếp sản xuất, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản, hải sản; nghiên cứu, thử nghiệm một số loại hình dịch vụ mới trên biển (du lịch, cứu hộ, ứng cứu sự cố tràn dầu...).

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Quyết định số 339/QÐ-TTg, ngày 31-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ về "Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng giai đoạn 2008-2010". Quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm sau khi sắp xếp lại doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn và sức cạnh tranh cao hơn, phát huy quyền tự chủ hạch toán kinh tế, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.

Ðại tá TRẦN TRUNG TÍN

Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng