Hoài Ân phát triển nông sản chủ lực

Huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) là vùng trung du miền núi, kinh tế người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, huyện tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm nông nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm quảng bá nông sản Hoài Ân.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm quảng bá nông sản Hoài Ân.

Xác định sản phẩm chủ lực của địa phương là cây ăn quả, từ năm 2018 đến nay, huyện Hoài Ân đầu tư hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, hệ thống tưới, quy trình chăm sóc thực hiện dự án phát triển ba loại cây ăn quả chủ lực là bưởi da xanh, bơ và dừa xiêm theo hướng VietGAP. Đến nay, dự án đã thực hiện được hơn 75 ha bưởi, dừa xiêm và bơ. Qua đánh giá của ngành chuyên môn, 1ha cây ăn quả trong dự án hiện cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả của mô hình, người dân huyện Hoài Ân đã từng bước tìm hướng phát triển trồng cây ăn quả với mong muốn đổi đời. Loại cây có diện tích nhiều nhất là dừa với 1.725 ha, trong đó hơn 500 ha dừa xiêm với 261 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hơn 4,2 triệu quả/năm. Tiếp đến là 405 ha bưởi da xanh, với hơn 210 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hơn 1.671 tấn/năm. Ngoài ra còn có 75 ha bơ, 670 ha chuối cùng các cây trồng khác như cây cam, quýt, chôm chôm, sầu riêng, na Thái với diện tích gần 900 ha.

Để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, huyện Hoài Ân đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể các sản phẩm chủ lực; hướng dẫn người dân canh tác phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đến nay toàn huyện có hơn 3.932 ha các loại cây trồng như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp, mít Thái, na Thái, sầu riêng… và duy trì đàn vật nuôi ở mức cao so với các địa phương khác của tỉnh, nhất là đàn heo và các loại gia cầm.

Qua thời gian, không ít sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh ngày càng ưa chuộng, từ đó có thể xuất khẩu hoặc phân phối thông qua một số siêu thị, đại lý, cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bảy nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân (Trà Gò Loi, bưởi Hoài Ân, dừa xiêm Hoài Ân, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân, mít Thái Hoài Ân và tiêu hột Hoài Ân) và một sản phẩm gạo hữu cơ đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Với 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP và 28 sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Những sản phẩm nông nghiệp như bưởi da xanh, trà gò loi, trà nụ hoa hòe, bún khô, mật ong dú, thịt heo thảo mộc, tinh dầu bưởi, gạo hữu cơ... được công nhận đạt sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên, và có ba sản phẩm đạt OCOP xếp hạng 4 sao. Hoài Ân hiện có hơn 100 ha diện tích bưởi da xanh, dừa xiêm và một số loại cây trồng khác được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương cũng được cấp 10 mã số vùng trồng với diện tích hơn 50 ha, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.

Anh Nguyễn Ngọc Kiều, chủ cơ sở sản xuất bún khô, bún gạo lứt tại thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân) cho biết, đến nay, sản phẩm bún khô Kicafoods đã được người tiêu dùng đón nhận và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Dù chỉ mới khởi nghiệp chưa lâu, nhưng Kicafoods đã có sản phẩm bún khô đạt hạng 3 sao OCOP năm 2021; bún gạo lứt, phở khô đạt hạng 3 sao OCOP năm 2022; bún khô đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022, và mới đây đã vào đến vòng bán kết cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhất là đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từ đó hình thành chuỗi liên kết bền vững và trở thành kênh phân phối tin cậy cho các công ty, doanh nghiệp, mới đây Ủy ban nhân dân huyện Hoài Ân đã hỗ trợ đầu tư một trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Trung tâm được xây dựng với quy mô 120m2 gồm một phòng trưng bày, buôn bán và một phòng tư vấn quy trình kỹ thuật tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng. Sau gần ba tháng thực hiện các hạng mục, trung tâm đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Tại trung tâm này sẽ trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm đã được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ; sản phẩm được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cụ thể; sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các cơ sở, công ty, doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như: Hợp tác xã Thanh Niên, Dulai, Kikafoods… Vì thế, đây cũng chính là cơ sở để thực hiện các bước hướng đến ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xuất khẩu của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết, tại Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 1 diễn ra năm 2022, ngành chức năng huyện đã liên kết với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 5 đơn vị. Không dừng lại ở đó, Hoài Ân mong muốn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, cho nên đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu hàng hóa. Tại đây, những sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, OCOP, hữu cơ sẽ được giới thiệu với khách hàng, du khách nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của huyện.

“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân sẽ phối hợp, triển khai thực hiện các chuỗi liên kết, kết nối đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh; đồng thời ký kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thanh Vương cho biết.

Thời gian tới, ngành chức năng huyện Hoài Ân sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, số lượng và nâng cấp bao bì, tem, nhãn sản phẩm; cùng với đó là ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cấp máy móc, trang thiết bị hiện đại để thực hiện chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.