Cù lao Cồn Chim nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 10 km về hướng đông bắc theo tuyến đường sông và khoảng 15 km theo tuyến Quốc lộ 53 hướng từ thành phố Trà Vinh đi thị xã Duyên Hải. Cồn Chim sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng với những cánh đồng lúa nhìn mát mắt, những vườn cây ăn trái xum xuê và không gian yên bình, tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào nơi đô thị.
“Về Cồn Chim - người quê chỉ có tấm lòng”, du khách đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành mà còn tận hưởng những giá trị tinh thần sâu sắc từ sự hiếu khách, chân tình của người dân sở tại. Khi chiếc phà vừa cập bến, nhiều người dân Cồn Chim tay cầm nón lá vẫy chào, miệng luôn nở nụ cười tươi, rất thân thiện làm cho du khách cảm thấy như mình đang trở về quê nhà.
Ông Vũ Thành Trung, du khách đến từ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết, gia đình ông lần đầu có những trải nghiệm thật thú vị tại Cồn Chim. Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim rất đặc biệt, có sự hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.
Các thành viên gia đình ông thích thú đạp xe dọc theo con đường nhỏ quanh cù lao, ngắm nhìn những vườn cây trĩu quả, các ao tôm và những cánh đồng lúa hữu cơ. Hai bên đường là những căn nhà lá đơn sơ, những chiếc xuồng ba lá mộc mạc, tạo nên không gian yên bình của một miền quê Nam Bộ cứ ngỡ như đã lùi sâu vào dĩ vãng.
Sau khi thăm vườn dừa Bé Thảo, đoàn khách tiếp tục đến nhà chị Phạm Thị Sữa để được nghe giới thiệu quy trình chế biến các món ăn, bánh đặc sản xứ cù lao. Họ cùng tham gia xay bột gạo bằng cối đá, tự tay nặn bột làm bánh lá mơ, hấp chín, rồi cùng thưởng thức món bánh dân dã thơm lừng với vị béo của nước cốt dừa…
Với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, nhiều hộ gia đình ở ấp Cồn Chim đã mở dịch vụ phục vụ du khách những món ăn dân gian như bánh canh tôm, bánh xèo, tôm hấp, cua luộc, gỏi hoa bần. Với món gỏi hoa bần do chị Nguyễn Thị Huyền chế biến, sau một lần thưởng thức, nhiều du khách không thể nào quên hương vị độc đáo của nó.
Hoa bần, hoa của một loài cây đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang hương vị thanh mát, chua nhẹ và một chút vị chát. Gỏi hoa bần không chỉ hấp dẫn bởi hương vị độc đáo mà còn bởi sự tươi sạch của nguyên liệu được hái trực tiếp từ thiên nhiên.
Đến Cồn Chim, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống trong không khí vui tươi, gần gũi. Các trò chơi như nhảy dây, chơi u và nhất là đua cua có thưởng, mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái, làm sống lại những ký ức tuổi thơ của nhiều người…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Lâm Hữu Phúc, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 5 năm gần đây, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim thu hút hơn 80.000 lượt khách trong nước, quốc tế; doanh thu hơn 21 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3,7 tỷ đồng. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của hộ dân ở ấp Cồn Chim đạt 89 triệu đồng; trước đó, vào năm 2019, chỉ là 41 triệu đồng/người/năm.
Các cấp chính quyền và ngành du lịch tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá, kết nối các loại hình, hoạt động du lịch trong và ngoài nước. Trên cơ sở xác định rõ thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa, tỉnh Trà Vinh đang tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa; đồng thời, chủ động phối hợp hướng dẫn cộng đồng, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch thực hành sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và nhất là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch xanh…