Níu giữ hồn tranh kiếng Bà Vệ

Nghề thủ công truyền thống vẽ tranh trên kiếng (kính) ở cù lao huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trải qua gần 100 năm, thể hiện những nét hội họa độc đáo của vùng sông nước. Theo thời gian, những người "nặng lòng" vẫn đang níu giữ hồn tranh kiếng Bà Vệ...
0:00 / 0:00
0:00
Tranh kiếng Bà Vệ ngày nay đa dạng về mầu sắc, kiểu dáng.
Tranh kiếng Bà Vệ ngày nay đa dạng về mầu sắc, kiểu dáng.

Năm nào cũng vậy, gần Tết cổ truyền, các cơ sở làm tranh kiếng khu vực chợ Bà Vệ, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lại nhộn nhịp. Thợ thầy thì tất bận chế tác tranh, mối lái đến nhận hàng để phân phối các nơi.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, nghệ nhân hơn 30 năm gắn bó với nghề vẽ tranh kiếng, nhớ lại, nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện ở cù lao Chợ Mới và phát triển vào năm 1950. Các thợ thầy khi đó học nghề ở Lái Thiêu, Chợ Lớn rồi về chợ Bà Vệ mở cơ sở làm tranh. Do phù hợp với tín ngưỡng, văn hóa Nam Bộ cho nên tranh kiếng chợ Bà Vệ đã tạo vị thế riêng, được tiêu thụ mạnh khắp các vùng quê. Năm 2006, làng nghề tranh kiếng Bà Vệ được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống.

Theo ông Hòa, vẽ tranh trên kiếng khác với vẽ tranh thông thường ở chỗ phải vẽ phía sau tấm kiếng, giới trong nghề gọi là vẽ ngược vì các chi tiết sau cùng phải vẽ đầu tiên và ngược lại. Công đoạn vẽ ngược này giới trong nghề gọi là “tỉa” và “tách”, là phần khó nhất. Vẽ xong, lật tấm kiếng lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh, phần còn lại là tô mầu đậm lợt (nhạt) là hoàn thành bức tranh.

Chính vì cách vẽ ngược nên thợ vẽ phải tư duy để họa ra bố cục hợp lý. Vẽ tranh trên kiếng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mẩn, đôi tay tài hoa, trí tưởng tượng phong phú mới tạo ra những bức tranh đẹp, mẫu mã đa dạng.

Các thợ chính gọi là "thợ tách" và theo ông Hòa, chưa có ai qua trường lớp hội họa, mỹ thuật. Những bức tranh kiếng đều xuất phát từ tình yêu nghề, là kết tinh của đời sau truyền đời trước, là sự kết hợp giữa khéo léo, thẩm mỹ và sáng tạo không ngừng.

Các bức tranh thường lấy mầu đỏ làm chủ đạo. Tranh kiếng chủ yếu là tranh thờ thần, Phật, tổ tiên và tranh phong cảnh, tranh tích xưa. Mỗi bức tranh như gửi gắm tâm tình người thợ, như tranh "Thoại Khanh-Châu Tuấn", "Lưu Bình-Dương Lễ", "Phạm Công-Cúc Hoa"... nhắc nhở gia chủ về tình nghĩa bạn bè, phu thê. Các tranh phong cảnh núi non, làng quê thanh bình như khơi gợi người đời yêu mến quê hương hơn...

Những ngày này, đi dọc theo Tỉnh lộ 954 qua chợ Bà Vệ có thể cảm nhận được sức sống của làng nghề đã tạo nên thương hiệu gắn với vùng đất cù lao. Tuy vậy, theo các nghệ nhân trong làng nghề làm tranh kiếng, ngày trước, trước Tết Nguyên đán vui lắm, tranh kiếng tiêu thụ mạnh nên xã Long Điền B có hơn 100 hộ làm tranh. Ngày cũng như đêm, các cơ sở luôn đỏ đèn, các thợ thầy làm không ngơi tay để đáp ứng số lượng đặt hàng của mối lái. Khi đó, trên các con kênh, rạch dẫn tới chợ Bà Vệ, ghe tàu đến nhận tranh chạy tới, chạy lui náo nhiệt cả vùng.

Thời cực thịnh của làng nghề khoảng từ năm 1980 đến 1998, tranh tiêu thụ mạnh khắp vùng Nam Bộ và mạnh nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng, từ năm 2004 trở về sau, cùng chung số phận với tranh giấy vẽ tay, tranh kiếng tiêu thụ giảm dần, các thợ thầy lần lượt bỏ nghề. Từ một xóm nghề sôi động nhất nhì cù lao nay lưa thưa còn chưa đến chục hộ làm nghề.

Theo các nghệ nhân, tranh kiếng lúc trước tiêu thụ ở các vùng nông thôn, nơi đó, những căn nhà gỗ 3 gian 2 chái được chủ nhà trân trọng đặt treo các bức tranh thần Phật, tổ tiên… phía sau các bàn thờ, các xà ngang, xà dọc, cửa buồng nhìn rất trang nghiêm. Sau này, nhà tường xây lên, tranh kiếng treo nhìn không hợp với căn nhà, rồi các dòng tranh, ảnh đa dạng ra đời với giá rẻ nên tranh kiếng lần hồi bị thu hẹp. Từ mức tiêu thụ cả trăm nghìn bức tranh mỗi năm, nay một năm chỉ còn vài nghìn bức...

Trong câu chuyện, ông Hòa tâm sự, ông là thế hệ thứ hai gắn bó với nghề tranh kiếng. Những bạn nghề của ông hầu hết đã bỏ nghề. Với ông Hòa, đây không chỉ là cái nghề nuôi sống gia đình mà còn lưu giữ những ký ức sâu đậm về tình cảm với những người quá cố, những người thợ đã vẽ nên bức tranh tạo nên làng nghề chợ Bà Vệ nay đang dần mai một.

Ông Hòa bộc bạch: “Mỗi tháng, cơ sở tôi cung ứng vài trăm bức tranh, nhưng vào mùa Tết, năm nào cũng đưa ra thị trường khoảng 1.000 bức. Mỗi bức tranh giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng, tùy theo yêu cầu đặt hàng của khách”.

Để nuôi dưỡng đam mê và giữ nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một dần, ông Hòa và các chủ cơ sở khác đã trang bị máy vi tính với kỹ thuật tách mầu in lụa, kéo lụa, tranh in 3D với đủ kích cỡ, mầu sắc, cảnh vật đáp ứng nhu cầu khách đủ mọi lứa tuổi. Tất nhiên, tranh công nghiệp nên mầu sắc không thể so với tranh kiếng thủ công.

Khách có nhu cầu đặt các tranh kiếng vẽ tay truyền thống hay phục chế lại các tranh kiếng cũ, cơ sở đều đáp ứng. Bấy nhiêu đó cũng giúp các nghệ nhân như ông Hòa duy trì được tâm nghề, truyền lửa cho thế hệ sau níu giữ phần nào hồn tranh kiếng...