Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại phường 1, thành phố Cao Lãnh. Kể từ khi mở cửa đền, bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có người dân tìm đến viếng và tham quan. "Có những đoàn du khách từ miền trung, miền bắc vào viếng đền thờ ông, bà kể cả lúc 4 giờ sáng hay 10 giờ đêm thì Ban tế tự đền thờ cũng mở cửa phục vụ", ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban tế tự Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường cho biết.
Du khách viếng đông nhất vẫn là vào dịp lễ giỗ ông, bà và ngày Rằm hằng tháng. Dịp lễ giỗ hằng năm có khoảng 70 đến 80 nghìn người tham dự, người dân nô nức đến dâng cúng lễ vật, tưởng nhớ công đức của ông, bà và tham dự các hoạt động lễ hội còn hằn đậm chất quê.
Lễ giỗ được tổ chức trong không gian mở rộng với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Không gian văn hóa góc quê gồm các hoạt động thư pháp, tái hiện Chợ Vườn Quýt, trang trí công cụ nông nghiệp xưa, biểu diễn trải nghiệm làng nghề, nghề thủ công mỹ nghệ (nghề đan mê bồ, lục bình, quy trình làm trà tim sen, hội diễn lân-sư-rồng, hội thi các món ăn chế biến từ xoài và bánh dân gian…).
Ông, bà Đỗ Công Tường đã mất 205 năm nhưng tình cảm của nhân dân vẫn luôn tôn kính, tri ân và thờ phụng hết sức trang nghiêm. Lần giở từng trang sách về "Ông, bà Đỗ Công Tường và thành phố Cao Lãnh", ông Nguyễn Anh Tuấn, người có 24 năm làm việc tại Ban tế tự đền và 5 năm làm Trưởng ban đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện đẹp, những chuyện tâm linh mà du khách thập phương mỗi khi quay trở lại đền thờ kể lại cho ông và các thành viên trong Ban tế tự với biết bao tôn kính. Cuộc đời ông, bà Đỗ Công Tường là câu chuyện rất đẹp, rất nhân văn, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long.
Chuyện rằng vào những năm đầu thời vua Gia Long, ông, bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong (nay là thành phố Cao Lãnh). Gia tư khá, tánh tình cương trực nên ông được dân làng cử giữ chức Câu Đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng. Đất hoang khẩn được, ông, bà trồng vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm. Nơi đây thuận chỗ nên người dân tập trung mua bán càng lúc càng đông. Thấy cảnh người mua bán không nơi ẩn trú lúc nắng gắt, mưa to, ông, bà cho dựng cái chòi bằng tre lá, tạm thành chợ. Qua thời gian, chợ trở nên sung thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, người gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh...
Năm Canh Thìn (1820), người dân Mỹ Trà và quanh vùng bị bệnh dịch tả hoành hành, chết rất nhiều. Cám cảnh, ông, bà lập bàn hương án tế trời đất, nguyện chết thay dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau khi khấn nguyện, ông, bà chay lạt, khổ hạnh 3 ngày, đến ngày 9/6, bà lâm bệnh và mất, qua ngày 10 thì ông cũng bệnh qua đời, sau đó dịch bệnh cũng sớm chấm dứt.
Tưởng nhớ công đức của ông, bà, nhân dân lập miếu phụng thờ gọi là Miếu ông, bà Chủ Chợ (sau này gọi là Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường) và tổ chức lễ giỗ vào ngày 9 - 10/6 hằng năm. Chợ Vườn Quýt lần hồi khôi phục, sung túc hơn trước và được mọi người quen gọi là chợ Câu Lãnh, rồi nói trại đi thành Cao Lãnh. Ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định xếp hạng Mộ và Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Câu chuyện công đức của ông bà trở thành nét đẹp về văn hóa tâm linh, ngày càng được giữ gìn và phát huy. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Cao Lãnh Hồ Huệ Thu Hằng cho biết: "Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường ngày nay còn được nhiều du khách biết đến là điểm du lịch tâm linh của thành phố. Những năm qua, nhằm phục vụ du khách ngày một tốt hơn, luôn có sự liên kết chặt chẽ giữa Ban tế tự đền thờ với Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Ngoài ra, một số công ty du lịch tổ chức tham quan có sự kết nối điểm đến giữa Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường và các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố, góp phần quảng bá du lịch và giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền thờ ".