Nghề “ăn ong” miệt rừng U Minh Hạ

Khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt hạt cũng là lúc mùa “ăn ong” ở miệt rừng U Minh Hạ bắt đầu. “Ăn ong” là cách nói của người dân địa phương về hành trình lấy mật tổ ong hoa tràm. Nghề này có từ lâu đời, khá vất vả và ít ai đủ sức bám trụ trừ những người thật sự yêu rừng, yêu nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phạm Duy Khanh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, thu hoạch mật ong.
Anh Phạm Duy Khanh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, thu hoạch mật ong.

Vườn quốc gia U Minh Hạ rộng lớn tại Cà Mau được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới với hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn và đa dạng động, thực vật quý. Nơi đây còn là nhà của ong rừng tự nhiên chuyên hút mật từ nhụy hoa tràm, trổ rực rỡ nhất tầm tháng 3, tháng 4 hằng năm. Toàn bộ rừng với diện tích khoảng 30.000 ha là một nguồn khổng lồ cung cấp hoa tràm và các loài hoa khác để ong làm mật. Ước tính sản lượng mật ong khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 800 tấn được người dân thu hoạch mật từ việc gác kèo ong.

Ông Huỳnh Vũ Hoàng, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời nhớ lại: Hồi trước ông cha mình khai thác ong theo tập đoàn phong ngạn, họ thành lập tập đoàn chia ra khoảng 10 tổ, mỗi tổ khoảng 20 ha để khai thác mật ong tự nhiên. Trong nhóm tự giao ước với nhau là của người nào người nấy tự khai thác, không ai lấn phá ai. Ở đây hồi xưa rừng còn nhiều thì ong thiên nhiên về đóng tổ cũng nhiều, còn bây giờ phải gác kèo ong mới về và khai thác cũng phải dưỡng, bảo tồn lại chứ không phải theo kiểu tận diệt.

Thật ra nghề gác kèo ong và “ăn ong” là hai giai đoạn của việc săn ong. Dưới những tán rừng tràm, ong được con người làm nhà cho ở mãi tận rừng sâu. Vì thế, để lấy được mật, người “ăn ong” phải vào rừng thường xuyên. Tùy người “khéo tay”, mật ong được thu hoạch sau 30 ngày. Còn nếu gác kèo không khéo, có khi mấy tháng mới thu được một ít. Để thu hoạch mật đúng thời điểm phải thăm nom thường xuyên. Cứ thế người “ăn ong” rành rẽ mọi ngóc ngách trong khu rừng. Để lấy mật, người thợ phải mang theo bình phun khói hoặc đuốc con cúi bằng xơ dừa, quần áo dài tay, lưới trùm đầu, bao tay, dao và các dụng cụ chứa tổ ong và mật. Họ dùng dao cắt, tách phần mật ra khỏi phần tàng, chừa lại khoảng 1/3 tàng để con ong tiếp tục làm tổ. Một tổ như thế này, nếu khai thác tốt có thể lấy mật từ 3-4 lần.

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, huyện U Minh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đồng thời, huyện cũng quan tâm việc bảo tồn và đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống, sản vật địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng, như: nghề gác kèo ong; lọp, lờ đặt cá; trúm đặt lươn... Thời gian qua, nhiều cơ sở, công ty, doanh nghiệp đã có sự đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn. Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hương Tràm (huyện U Minh) Giang Hoàng Hon cho biết ý tưởng của mình khi đầu tư điểm du lịch cộng đồng: “Dưới tán rừng tràm có rất nhiều sản phẩm để phục vụ du khách, trong đó đặc biệt là có sản phẩm mật ong. Chính vì vậy tôi về đây xây khu sinh thái này để khôi phục, bảo tồn nghề gác kèo ong mật. Đây cũng là một trong những sản phẩm phục vụ du khách khi đến tham quan”.

Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản Cà Mau, nổi tiếng với chất lượng khó nơi nào sánh được. Bởi lẽ chỉ có loài ong hút mật hoa tràm mới có thể cho loại mật mầu vàng trong vắt thoang thoảng mùi hương hoa dịu nhẹ cùng vị ngọt tinh khiết. Đặc biệt, đàn ong chỉ về làm tổ khi rừng tràm được bảo tồn tốt trên diện tích rộng, rậm rạp. Những khu rừng tràm bạt ngàn xanh tốt quanh năm là nơi trú ngụ lý tưởng của loài ong, nhất là vào thời điểm hoa tràm nở rộ, có rất nhiều đàn ong mật bay về làm tổ. Nắm bắt được tập tính này, nhiều nông hộ quyết gìn giữ từng gốc tràm trên diện tích đất rừng của mình để thu hút đàn ong và bảo tồn nghề gác kèo ong; đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết, tiềm năng và lợi thế của du lịch U Minh là du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm. Huyện sẽ xây dựng đề án và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo hướng này, đáp ứng nhu cầu thích trải nghiệm về với tự nhiên, hòa mình với thiên nhiên, tham gia các hoạt động như bắt cá đồng, lấy mật ong, hái rau rừng của du khách.

Nghề gác kèo ong ở Vườn quốc gia U Minh Hạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ nghề truyền thống thuở xưa của các bậc tiền nhân khai hoang giờ đây đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách gần xa với hành trình trải nghiệm “ăn ong” đầy thú vị.