Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để bàn các giải pháp phối hợp, liên kết cùng phát triển.
Một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất là tập trung hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng mới các cây cầu vượt sông thay thế các bến phà nhằm tăng cường giao thương trong vùng và cả nước.
Cầu Quang Thanh hoàn thành đã tạo kết nối giữa huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (Hải Dương). |
Chủ tịch thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Những nỗ lực của thành phố Hải Phòng cũng là hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, việc tăng cường liên kết vùng không chỉ tạo động lực phát triển cho toàn vùng, mà kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn nữa…
Cầu Bến Rừng kết nối giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho hay, là địa phương hội tụ đầy đủ năm loại hình giao thông: cảng biển cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc, cùng hệ thống giao thông đường bộ kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực, Hải Phòng đã và đang phát huy hiệu quả thế mạnh hiện có này.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng hiện nay, hệ thống giao thông kết nối của Hải Phòng vẫn cần phải tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa nhanh và mạnh hơn nữa.
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được triển khai nâng cấp, mở rộng. |
Việc tập trung thực hiện “đột phá” trong phát triển hạ tầng giao thông theo đúng ưu tiên hàng đầu trong Chương trình hành động của Chính phủ đang được thành phố triển khai thực hiện quyết liệt.
Những tuyến đường rộng mở, vươn dài cùng những cây cầu thay thế cho các tuyến phà cũ kỹ qua các dòng sông bao quanh thành phố như: Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình... đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cảng.
Trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã xây dựng mới 46 cây cầu cùng hàng trăm km đường với tổng vốn đầu tư gần 44 nghìn tỷ đồng. Hải Phòng hiện có gần 8.000km đường bộ, tăng gấp hơn bốn lần so với năm 2005 và 145 cây cầu, tăng gần gấp hai lần năm 2005.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng đã huy động gần 565 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho phát triển, gấp ba lần giai đoạn 2011-2015. Phần lớn trong số này được tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông.
Cầu Rào (Hải Phòng) đã được xây dựng mới rộng mở và hiện đại hơn. |
Nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông được tập trung vốn và thi công với tốc độ khẩn trương, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của thành phố và giảm ùn tắc giao thông như các cầu: Bính, Võ Nguyên Giáp, Đăng, Hàn, Hoàng Văn Thụ...
Tiếp theo đó là các cây cầu vượt trên các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch như Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh và cầu Rào mới được xây dựng lại góp phần hiện đại hóa các tuyến trục giao thông kết nối, nhất là tuyến đường bộ từ cảng biển Hải Phòng đi các địa phương trong khu vực.
Các tuyến đường nội đô Hải Phòng cũng không ngừng được mở rộng, nâng cấp. |
Đặc biệt, chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn của các địa phương và cả của trung ương, thành phố Hải Phòng đã mạnh dạn đề xuất và được chấp thuận việc sử dụng nguồn vốn nội lực của thành phố để đầu tư xây dựng mới các cây cầu trên các trục tuyến giao thông kết nối với các địa phương trong khu vực như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn quốc lộ trên địa bàn thành phố…
Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng-Hạ Long; đường và cầu ô-tô Tân Vũ-Lạch Huyện; cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn Quán Toan-Cầu Nghìn); cùng các công trình cầu Quang Thanh, cầu Dinh kết nối với Hải Dương; cầu Đăng, cầu sông Hóa kết nối với Thái Bình được hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng.
Hệ thống cảng biển nước sâu tại Lạch Huyện được tập trung đầu tư để đón các tàu trọng tải lớn, mở mang giao thương quốc tế. |
Cùng với đó, các cây cầu mới tại Bến Rừng, Lại Xuân kết nối với tỉnh Quảng Ninh; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Kiền đến cầu Đá Bạc… đã được khởi công và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các bến cảng số 3, số 4, số 5, số 6 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đang triển khai thi công theo tiến độ đề ra.
Bến số 5, số 6 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Các công trình giao thông trên địa bàn Hải Phòng sau khi hoàn thành sẽ là những cơ sở quan trọng trong hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được Hải Phòng tập trung chuẩn bị, sẵn sàng khởi công trong thời gian tới như: xây dựng tuyến đường vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ-Hưng Đạo- đường Bùi Viện; đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi; bến cảng số 7, số 8 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện…
Các đơn vị thi công quyết tâm thực hiện xây dựng cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đúng tiến độ. |
Các dự án giao thông đô thị đang được triển khai sẽ không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cảng, mà còn góp phần quan trọng để phát triển Hải Phòng trong không gian chung của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhất là thực hiện mục tiêu phát triển khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong đó, việc tăng cường liên kết vùng không chỉ tạo động lực phát triển cho toàn vùng, mà kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn nữa…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng