Dẫn tôi tham quan một số mô hình làm kinh tế từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Lê Ngọc Chọn, Ủy viên Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Bình, cho biết, toàn huyện có 2.874 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 1.289 hộ do phụ nữ làm chủ. Đất đai nhiều, nhưng không tận dụng hết, nhiều hộ chỉ sống nhờ cây lúa, rồi làm thuê, làm mướn. Vì vậy, Hội triển khai giúp đỡ chị em dưới nhiều hình thức.
Nhiều năm qua, Hội liên tục phát động phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", giới thiệu các mô hình hiệu quả, vận động thực hiện mô hình "Phụ nữ không để đất trống" nhằm tận dụng đất, bờ ao, bờ vuông để trồng rau màu. Việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có đất trống, vườn tạp cải tạo trồng rau màu, cải thiện bữa ăn gia đình, tăng thu nhập... luôn được chú trọng. Hội thường xuyên phối hợp các đơn vị mở các lớp kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Gia đình chị Trần Thị Phượng (ấp thị trấn A1) trước đây sống dựa vào trồng lúa và dưa hấu. Hai vợ chồng làm lụng vất vả, nhưng chỉ đủ ăn uống, chi tiêu hằng ngày. Trong khi đó, đất đai của gia đình bị bỏ hoang nhiều, không tạo ra giá trị kinh tế.
Cách đây 3 năm, chị Phượng tham gia lớp tập huấn làm kinh tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Bình tổ chức và được giới thiệu một số mô hình làm ăn. Sau đó, chị Phượng quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 40 triệu đồng. Sau khi tham gia lớp học trồng màu, chị Phượng bàn với chồng trồng ớt trên diện tích đất khoảng gần 1ha trước nhà.
Chị Phượng chia sẻ: “Gia đình tôi có cuộc sống khá giả hơn nhờ cây ớt. Trong một năm, tôi trả xong số tiền vay ngân hàng. Đến nay, mỗi năm 2 vụ ớt, doanh thu khoảng 200 triệu đồng mỗi vụ, trừ hết các chi phí lãi 150 triệu đồng/vụ. Nhờ đồng vốn ban đầu của Ngân hàng chính sách xã hội thông qua Hội Phụ nữ huyện giới thiệu mà đến nay, không chỉ tận dụng được đất đai, kinh tế gia đình cũng từ đó khá giả lên”.
Vợ chồng chị Sơn Thanh Hồng chuẩn bị cho vụ thu hoạch đầu tiên. |
Chị Sơn Thanh Hồng (dân tộc Khmer) cho biết: “Trước nay, vợ chồng làm mướn nuôi hai con cực lắm. Sau đó, được Hội Phụ nữ động viên tham gia các lớp tập huấn trồng màu, tui cũng đi học. Sau khi được hướng dẫn vay vốn, ban đầu, vợ chồng tui cũng lo lắm, vì nghĩ số tiền vay hàng chục triệu đồng, làm đến bao giờ mới trả xong. Nhưng cuối cùng, sau nhiều đêm trằn trọc, vợ chồng quyết định sẽ vay tiền làm kinh tế vì cũng chỉ có cách đó mới thoát nghèo”.
Có vốn, vợ chồng chị Hồng thuê đất trồng dưa. Ban đầu, gia đình chị Hồng đối mặt với những khó khăn như thiếu giống, thiếu kinh nghiệm... Sau đó, các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ giống, cử cán bộ hướng dẫn cụ thể cách gieo trồng, chăm sóc... Đến nay, gần thu hoạch vụ mùa đầu tiên, gia đình chị Hồng ước tính có thể phần nào trả nợ và hướng tới phát triển lâu dài nghề trồng dưa.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp thị trấn A1, cho biết: Phụ nữ ở huyện nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình chỉ trông vào đồng lúa hoặc đi làm thuê, làm mướn, vì vậy bao năm vẫn nghèo. Nhận thấy quyết tâm vươn lên của nhiều chị em, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình vay vốn làm kinh tế.
Bước đầu cho thấy, từ việc để đất đai hoang hóa, lãng phí, nhiều hộ đã biết vận dụng tài nguyên này để trồng xen canh các loại rau màu như dưa, ớt... hoặc nuôi heo, ếch... Từ đó, các hộ đã vươn lên, từng bước thoát nghèo.
Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Bình, thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" là nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào và công tác Hội nhằm giúp đỡ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Hội đang duy trì 7 tổ hợp tác, 22 tổ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình”; 1 tổ hợp tác chăn nuôi gà; 1 tổ hợp tác chăn nuôi heo; 3 tổ hợp tác trồng màu có 149 thành viên. Duy trì và nâng cao chất lượng mô hình "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế" thông qua các nguồn vốn như: Quỹ cộng đồng phòng, chống thiên tai, vốn vì quê hương... giúp cho chị em vay vốn mua bán nhỏ, chăn nuôi.
Nâng cao nhận thức và hỗ trợ hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế xanh
Các nguồn vốn vay được chị em thực hiện có hiệu quả. Duy trì 1 tổ đan lát có 35 thành viên; tổ đan lục bình, tổ kết cườm có 10 thành viên; 1 tổ may gia công 14 thành viên. Hội phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giải ngân nguồn vốn cho 12 chị em hội viên phụ nữ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Bình thăm một mô hình phụ nữ phát triển kinh tế. |
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện giải ngân nguồn vốn Hội Phụ nữ Công an tỉnh cho 6 chị là thành viên câu lạc bộ “Phụ nữ phòng chống tội phạm” xã Vĩnh Hậu phục vụ cho việc chăn nuôi, mua bán, trồng màu... Ngoài ra, hội phụ nữ cơ sở phối hợp Ủy ban nhân dân các xã hỗ trợ vốn đa sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo cho 97 hộ, tổng số tiền 738.690.000 đồng.
Hội cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các tổ vay vốn tuyên truyền các chương trình tín dụng, chính sách của Đảng, Nhà nước những hộ có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp cận vốn; tập trung phân tích các món vay của hộ vay ở từng tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc việc xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Đến nay, tổng dư nợ do Hội nhận ủy thác tính đến ngày 30/4/2024 là 117,905 triệu đồng.
Chị Lê Ngọc Chọn (Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Bình) cho biết, sắp tới, hội tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn yếu do Hội quản lý; phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ nợ quá hạn theo quy định; tuyên truyền hộ vay gửi tiết kiệm hằng tháng; tham dự họp giao ban hàng tháng cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tại điểm giao dịch các xã, thị trấn...