Hình ảnh tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.
Hình ảnh tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam

NDO - Tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), "giáo án cuộc đời" của thầy, cô nơi đây đã chứng minh rằng, bằng tình yêu thương và sự tận tâm, chúng ta hoàn toàn có thể giúp các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Thành phố Đà Nẵng được xác định là một trong những “điểm nóng” dioxin tại Việt Nam sau chiến tranh, trong đó sân bay Đà Nẵng từng là kho chứa chất độc hóa học/dioxin lớn nhất, chiếm 35% tổng số lượng chất dioxin được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Nỗi đau màu da cam

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, thành phố có trên 5.000 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có gần 1.000 nạn nhân ở thế hệ thứ 2, 3. Nhiều gia đình có 2 đến 3 nạn nhân bị ảnh hưởng do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra.

“Hầu hết các gia đình nạn nhân đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn luôn phải đối mặt với bệnh tật, thuốc men với sự hành hạ về thể xác và tinh thần. Bản thân nạn nhân đã khổ, những người trong gia đình nạn nhân còn khổ hơn”, lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng cho biết.

Là tổ chức xã hội-từ thiện do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã không ngừng triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; trong đó có trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam thông qua 2 cơ sở của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.

Đón chúng tôi tại cơ sở 2 của Trung tâm (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), anh Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm, cũng đang chờ xe đưa đón các em đến. “Một số em ở gần thì phụ huynh đưa đến. Các em ở xa sẽ có xe của Trung tâm đến đón”, anh Hiếu nói.

Hoạt động theo hình thức bán trú ban ngày, Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo nghề, phục hồi chức năng cho 47 em bị ảnh hưởng chất độc da cam và trẻ em bất hạnh. Trước khi xe chở các em đến, anh Hiếu cũng kịp thông tin về sức khỏe của các em cho chúng tôi: “Các em tại Trung tâm là trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, nên không thể đến học tại các trường ở địa phương. Ngoài các dị tật như: câm điếc, hở hàm ếch, dị tật cột sống,... các em cũng thường xuyên đau ốm do đề kháng yếu”.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 1

Nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật vận động tại Trung tâm.

Anh Hiếu tiếp tục nói: “Sau khi được chở đến Trung tâm, các em sẽ sinh hoạt như trường lớp bình thường từ tập thể dục, học văn hóa, học nghề rồi ăn uống, nghỉ trưa, đến chiều sẽ giao lưu văn nghệ, sinh hoạt với nhau”. Dứt lời, xe chở các em cũng đến.

Lúc này, các nhân viên của Trung tâm trong mầu áo cam lần lượt đón các em, trong đó có những em chân tay cong gập, vặn vẹo… Một ngày tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng cứ thế bắt đầu…

"Giáo án" xoa dịu những nỗi đau từ mảnh cầu vồng

Mang trên mình những vết thương chiến tranh không nhìn thấy được, liệu có phép màu nào xoa dịu được những tâm hồn trẻ thơ kia ?

Thanh Hải, một nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, đã từng sống trong nỗi cô đơn không bè bạn, trường lớp, thầy cô… Hải đã sống với một tâm lý lạc lõng, làm bạn với những bức tường thờ ơ, chỉ có tình yêu thương của cha mẹ là liều thuốc tinh thần trong những tháng năm dài đằng đẵng. Song, ngay giờ phút chúng tôi gặp Hải lúc này, “cậu bé 30 tuổi” này đã được viết, vẽ, ca hát, làm toán, ăn uống, học nghề làm nhang với những người bạn đồng cảnh ngộ, những người cô thân thương suốt gần chục năm qua của mình. Nụ cười của Hải và những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm như một minh chứng cho phép màu mà chúng tôi đang tìm kiếm.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 2

Nụ cười rạng rỡ của các em trong tiết học văn hóa.

Trong tiết học văn hóa của chị Nguyễn Thị Kim Yến, nhân viên gắn bó hơn 16 năm với Trung tâm, mỗi hoạt động đã dần mách nhỏ cho chúng tôi về những câu chuyện nghị lực đằng sau những nụ cười của các em nơi đây.

Khi chưa biết phải bắt chuyện với các em như thế nào, Văn Duy - trẻ được nuôi dưỡng tại Trung tâm, đã nhanh miệng khoe với chúng tôi bức tranh chiếc xe tải vẽ bằng bút chì trên nền vở ô ly. “Chú thấy có đẹp không ạ ?”, cậu bé 16 tuổi hỏi với nụ cười tự tin như đang tìm kiếm sự công nhận.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 3

Bức tranh của Duy trong tiết học văn hóa tại Trung tâm.

Theo chị Yến, các em ở đây chậm phát triển nên tuổi có lớn vẫn trẻ con, khờ khạo. Cho nên, những việc tưởng chừng như đơn giản như: đánh vần, học chữ cái,... lại là những việc rất thử thách với các em 12 tuổi, 18 tuổi..., hay 30 tuổi. “Lúc mới vào đây, các em rất rụt rè, chui vào xó ngồi như tự kỷ, thậm chí quá khích ném dép, chửi bới. Còn bây giờ, nhiều em đã có thể đánh vần, viết chữ, làm những phép tính đơn giản, giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Điều đáng mừng là các em đã biết thưa chào, xin lỗi, cảm ơn, sống có nền nếp”, người cô thân thương của các em trìu mến nói.

Đáp lại ánh mắt, nụ cười và tiếng gọi của chị Yến, Thanh Hải hai tay cầm vở khoe những dòng chữ vừa học được. Đó là những câu đơn giản nhưng nét chữ tròn trịa, thẳng tắp, được viết bởi bàn tay co quắp, kém linh hoạt. Hải đã cặm cụi trong hồi lâu để viết được những câu có 3 đến 4 từ đấy.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 4

Hải và những câu chữ tròn trịa của mình.

Bức tranh xe tải, những dòng chữ tròn trịa và những lần giơ tay xung phong đánh vần của các em trong tiết học của cô Yến không chỉ cho thấy nghị lực, mà còn cho thấy một thế giới nội tâm đầy khát vọng được quan tâm, biết đến, được thể hiện bản thân, hòa mình với cộng đồng trong tình yêu thương.

Anh Bùi Trung Hiếu chia sẻ: “Đến nay, nhiều gia đình của các em rất phấn khởi khi thể trạng con em phát triển, sống có nền nếp. Nhưng đặc biệt nhất là tinh thần của các em. Các hoạt động vui chơi, ca hát, giao lưu, học tập với bạn bè, thầy cô và các đoàn hảo tâm của các em nơi đây, nhất là các em khuyết tật, đã giúp các em tự tin hơn và hòa nhập với mọi người. Đây là liều thuốc giảm stress giúp cho các em cảm thấy có ý nghĩa hơn với cuộc sống, gia đình và xã hội”.

Theo anh Hiếu, tuỳ vào từng loại bệnh của các em, Trung tâm sẽ phân loại, áp dụng các hình thức dạy học, gồm: lớp dạy giáo dục đặc biệt và lớp dạy kỹ năng sống đối với những em không thể học được, giúp các em từng bước hồi phục dần các chức năng về vận động và trí tuệ.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 5

Tiết học văn hóa sôi nổi tại Trung tâm.

Bên cạnh đó, sau khi phân loại trẻ, Trung tâm còn tổ chức dạy nghề cho các em, như: nghề may mặc, vi tính, làm hoa vải voan, hoa thủy tinh, kết cườm, làm nhang, tăng gia sản xuất, nhằm khi các em trở lại cộng đồng có thể tìm việc để tự nuôi sống bản thân.

Phải chăng, Trung tâm đã biên soạn một “giáo án cuộc đời” cho các em là nạn nhân chất độc da cam có thể học tập, vui chơi và hạnh phúc. Đây cũng là phép màu mà chúng tôi đang tìm kiếm.

Những con người "mặc áo màu cam"

Sau tiết học văn hóa, các em tiếp tục có những giây phút say mê với các lớp học nghề. Tại đây, chị em làm tại Trung tâm bắt đầu trải lòng, giúp chúng tôi hiểu hơn về cách họ giúp các em vơi đi nỗi đau da cam, tìm lại tiếng cười. Họ bảo, mỗi em là một bông hoa nhỏ, chăm đúng cách hoa sẽ nở rộ.

Hôm đấy, chị Bùi Thị Thu Nghĩa đứng lớp dạy làm hoa vải voan, vừa hướng dẫn các em bọc vải từng cánh hoa, vừa cùng làm những công đoạn còn lại. Tốt nghiệp chuyên ngành phục hồi chức năng, chị Nghĩa hiểu phần nào bệnh, tật của các em là nạn nhân chất độc da cam.

Nhưng hơn cả một nhân viên trị liệu, chị còn là một người dạy học, dạy nghề cho các em là nạn nhân chất độc da cam. Sứ mệnh đó được chị Nghĩa lấy làm niềm vui, là cảm hứng để chị nghĩ thêm nhiều cách chăm sóc, dạy học, dạy nghề phù hợp với các em nơi đây.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 6

Lớp học làm hoa vải voan tại Trung tâm.

“Các cô ở đây như thợ đụng vậy. Nhưng mỗi khi dạy các em điều gì, thì đều phải kiên trì và đồng cảm. Vì các em trí não khuyết tật, khó nhớ, nhanh quên, làm được một cánh hoa mất vài tháng. Hơn hết, mình phải cùng sống với tâm hồn của các em, tìm những mẫu hoa xu hướng trên mạng để cùng học, cùng làm. Khi đó các em sẽ vui thích, và mình cũng vui sướng”, chị Nghĩa thổ lộ và còn cho biết, nhờ phân loại các em vào mỗi lớp nghề phù hợp, Trung tâm cũng biết được năng khiếu của mỗi em như: làm hoa, may mặc, vẽ tranh,…

Masako, cô gái người Nhật, hoạt động tình nguyện tại Trung tâm theo Chương trình tình nguyện viên JICA tại Việt Nam, cũng tìm được niềm vui giản dị đấy. Gần 2 năm dạy kỹ năng sống cho các em là nạn nhân chất độc da cam, Masako từ chỗ xa lạ, nay đã là người bạn thân của các em tại Trung tâm.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 7

Lớp học ấm áp của Masako.

Suốt thời gian đấy, Masako đã dạy những kỹ năng sống như: đánh răng, giao tiếp, viết chữ,... cho các em không chỉ bằng ngôn ngữ, cử chỉ,... mà còn bằng sự sẻ chia và tình cảm chân thành.

“Lúc đầu, các em phải mất một thời gian mới quen với tôi, nhưng bây giờ các em đã ân cần gọi tên tôi, làm tôi mỉm cười. Những ngày được ở bên các em là những kỷ niệm quý giá của tôi”, Masako bày tỏ.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 8

Những kỷ niệm của Masako và các em tại Trung tâm.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng Bùi Trung Hiếu, Trung tâm xác định việc dạy văn hóa cho các em không đặt nặng mục tiêu, mà giúp các em từng bước tiếp thu với mặt chữ và các phép tính đơn giản.

“Hơn hết là giúp cho các em có thêm nhiều niềm vui để quên đi nỗi đau của mình. Đồng thời, các hoạt động được tổ chức bằng tình yêu thương chân thành sẽ giúp các em có tương lai tươi sáng hơn”, anh Bùi Trung Hiếu chia sẻ.

"Giáo án cuộc đời" xoa dịu vết thương không mảnh đạn của trẻ nhiễm chất độc da cam ảnh 9

Một ngày tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.

Không mang nỗi đau của các em, nhưng những nhân viên của Trung tâm trong màu áo cam đã đồng điệu với các em là nạn nhân chất độc da cam nơi đây...

back to top