Giảm nghèo bền vững từ chăn nuôi

Nhằm giúp các hộ hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững thông qua chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đa dạng hóa cách hỗ trợ từ nguồn vốn, con giống đến kỹ thuật. Qua một thời gian triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ dân vươn lên khá giả, điều đó cho thấy đây là cách làm phù hợp, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Mạc Thị Vụ (bên phải), thôn Thượng, xã Dương Đức, được hỗ trợ bò sinh sản để có thêm sinh kế.
Chị Mạc Thị Vụ (bên phải), thôn Thượng, xã Dương Đức, được hỗ trợ bò sinh sản để có thêm sinh kế.

Tìm hướng thoát nghèo

Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang không ai nghĩ chỉ vài năm trước gia đình chị còn là hộ cận nghèo. Ngôi nhà xây bề thế, chung quanh có ao cá, vườn cây, chuồng trại chăn nuôi… đủ thấy gia đình đã không còn khó khăn.

Chị Hằng nói: “Những năm trước, do vợ chồng tôi không có công việc ổn định, các con còn nhỏ nên luôn thiếu trước hụt sau. Đầu năm 2022, tôi được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 100 triệu đồng.

Gia đình đầu tư cải tạo chuồng trại và học cách nuôi chim cu gáy. Ban đầu chỉ dám nuôi 100 đôi, sau đó chim đẻ trứng, chúng tôi cho ấp nở để nhân rộng đàn. Đến nay đã phát triển lên hơn một nghìn đôi”. Với giá dao động từ 100-120 nghìn đồng/đôi, chúng tôi mỗi tháng có từ 200-300 đôi bán ra thị trường, thương lái đến tận nơi mua. Được biết, ngoài nuôi chim cu gáy, gia đình chị Hằng còn nuôi hàng trăm con ngan, gà thịt, có ao thả cá. Kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện.

Đến thăm chị Mạc Thị Vụ ở thôn Thượng, xã Dương Đức, một mình chị tảo tần nuôi hai con ăn học. Dắt con bò cái lai Sind về chuồng, chị lau mồ hôi kể: “Năm ngoái, tôi được hỗ trợ con bò này, đây là tài sản lớn của gia đình nên chăm bẵm rất cẩn thận. Hằng ngày, mẹ con thay phiên nhau cắt cỏ, đưa bò đi chăn ở vườn đồi quanh nhà. Sắp tới tôi sẽ cho bò sinh sản để có thêm bê, tăng thu nhập”. Con bò lớn nhanh hơn nhiều so với thời điểm mới nhận về, hiện nặng hơn hai tạ, con bò có thể sinh sản đúng với mục tiêu hỗ trợ. Với gia đình chị Vụ thì con bò đang là điểm tựa là xuất phát điểm để giúp gia đình chị thoát nghèo.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn rất phấn khởi đón nhận và tâm huyết tham gia vào các dự án giảm nghèo. Đặc biệt là mô hình chăn nuôi bò sinh sản được các địa phương lựa chọn thực hiện vì phù hợp với khí hậu cũng như phong tục sản xuất, canh tác nông nghiệp.

Những mô hình này đã giúp một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ 153 con bò giống sinh sản và 6,4 nghìn con gà giống để giúp đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho người dân Lạng Giang.

Nhân rộng mô hình theo chiều sâu

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang, các dự án phát triển chăn nuôi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ trên địa bàn. Thông qua thực hiện các dự án, cấp ủy, chính quyền các cấp và người nghèo có cơ hội nắm vững những nội dung liên quan; từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, có đầy đủ kỹ năng cần thiết để tổ chức thực hiện dự án, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án. Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao nhận thức, tạo việc làm, có cơ hội thoát nghèo.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện Lạng Giang được phân bổ hơn 15,5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay đã hỗ trợ 153 con bò sinh sản và 6,4 nghìn con gà giống để giúp đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2,24%; dự kiến đến hết năm nay còn 1,36%.

Thực hiện chương trình Ủy ban nhân dân huyện đã tăng cường quản lý, điều phối, tổ chức có hiệu quả, đúng quy định các nội dung của chương trình. Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay trực tiếp và cho vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Huyện Đoàn... với tổng dư nợ hơn 463 tỷ đồng, 11 nghìn lượt hộ vay.

Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, những năm qua, 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và nhu cầu đều được vay vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, nhiều người vay để đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua đó, người nghèo mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng mang lại kết quả cao cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết, lựa chọn hỗ trợ chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo là chính xác, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như kinh nghiệm sản xuất. Qua thực hiện cho thấy phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, định lượng được và gắn với các giải pháp thực hiện. Đồng thời, phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên, khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo, gắn với đó là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình sử dụng và phân bổ nguồn lực.

Dự kiến năm 2025, huyện được phân bổ 4,5 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Địa phương tiếp tục tập trung hỗ trợ các tiểu dự án về phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trọng tâm là khảo sát và hỗ trợ về chăn nuôi bò sinh sản, gà…