Sơn Dương quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có 29 xã và 1 thị trấn với 22 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 47%. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân. Từ đó, người dân có sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp đào tạo nghề may cho người lao động tại huyện Sơn Dương.
Lớp đào tạo nghề may cho người lao động tại huyện Sơn Dương.

Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm nghèo bền vững, thời gian qua, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc, nỗ lực hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sinh kế bền vững. Năm 2024, huyện mở 18 lớp đào tạo nghề, tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm, giải quyết việc làm cho 5.590 người, đạt 118% kế hoạch; xuất khẩu lao động 298 người, đạt 186% kế hoạch.

Các chính sách hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, và vay vốn sản xuất đã tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho các hộ nghèo. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo tại Sơn Dương đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 7,01%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch giao là 8,35%).

Anh Nguyễn Hữu Tấn, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương cho biết, sau khi được tham gia ngày hội việc làm tại địa phương, tôi đã đăng ký và được nhận vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giày da Phúc Sinh thuộc Cụm công nghiệp xã Phúc Ứng. Từ ngày có việc làm, tôi có thu nhập ổn định hơn 6 triệu đồng/tháng, chất lượng cuộc sống gia đình đã được cải thiện và nâng lên.

Còn anh Đỗ Quốc Mạnh, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương cho biết, khi tham gia phiên giao dịch việc làm, tôi được nghe chia sẻ về cơ hội khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Tôi cho rằng việc đi làm ở nước ngoài rất phù hợp với mình, là cơ hội tốt để đến một đất nước mới để khám phá nền văn hóa và tìm hiểu cách làm việc của họ để trau dồi kiến thức cho bản thân. Tôi sẽ nghiên cứu các quy trình để xin đi lao động ở nước ngoài với mong muốn sẽ có công việc ổn định, tăng thu nhập của bản thân và gia đình.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, công tác đào tạo nghề tại Sơn Dương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở địa phương chưa được sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Điều này khiến việc đào tạo nghề chuyên sâu và cung cấp lao động kỹ thuật cao còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai đào tạo nghề chưa thực sự đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình đào tạo, khiến người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp.

Sơn Dương quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ảnh 2
Tư vấn giới thiệu việc làm cho học sinh tại các xã Đại Phú và Thiện Kế.

Đồng chí Hoàng Khánh Linh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết, để giải quyết những hạn chế này, phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, nhằm đổi mới công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo được đặt lên hàng đầu, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề, giúp người dân nhận thức rõ hơn về giá trị của việc học nghề. Đồng thời, huyện còn có các chương trình hỗ trợ học phí, cấp chứng chỉ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.

Hiện nay, huyện Sơn Dương đang phối hợp các cơ quan cấp tỉnh tranh thủ mọi nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, để nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc giảng dạy và thực hành của học viên. Tập trung xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm đào tạo nghề và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, giúp người lao động sau khi đào tạo có thể làm việc ngay mà không cần qua đào tạo bổ sung.

Bằng những hướng đi đúng đắn trong đào tạo nghề và triển khai các chính sách hỗ trợ, huyện Sơn Dương không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn trở thành điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh Tuyên Quang.

Giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu tạo việc làm cho hơn 16.700 lao động, đào tạo nghề cho hơn 7.500 người và đưa nhiều lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế đặc thù, đảm bảo hỗ trợ thiết thực, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% vào cuối năm 2025.