Lồng ghép các dự án và mô hình giảm nghèo
Già yếu lại bị khuyết tật ở chân, vợ đau ốm không đi lại được - hoàn cảnh của ông Nguyễn Minh (82 tuổi) ở thôn 2, xã Bình Hòa rất khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh của ông, địa phương đã hỗ trợ gia đình ông Minh 1 con bò lai sinh sản. Sau gần 3 tháng chăn nuôi, đến nay bò cái phát triển tốt, tăng gần 50kg. Con bò cái lớn nhanh, có thể sinh bê con trong nay mai, trở thành niềm hy vọng đưa gia đình ông Minh thoát khỏi cảnh gieo neo.
Gia đình ông Minh là 1 trong 19 hộ dân của xã Bình Hòa được hỗ trợ bò lai sinh sản từ Dự án 2 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, hỗ trợ cho 1 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo và 13 hộ mới thoát nghèo. Các hộ nhận bò giống sẽ được cán bộ thú y, chi hội trưởng, trưởng thôn quan tâm, hỗ trợ cách chăm sóc, chăn nuôi bò đúng kỹ thuật.
Chính quyền xã Bình Hòa đã kết hợp, lồng ghép giữa sự hỗ trợ của các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với những mô hình giảm nghèo của địa phương và kết nối kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, người con quê hương... đã tạo nên nguồn lực to lớn giúp cải thiện đời sống người dân.
Mô hình “Kết nối tình quê” được xã tổ chức vận động gần 300 triệu đồng để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Mô hình “Làm theo Bác”, với hình thức mỗi chi bộ thôn nhận hỗ trợ, giúp đỡ 1 hộ nghèo phát triển kinh tế. Mức hỗ trợ mỗi hộ là 300 nghìn đồng/tháng. Đảng bộ xã còn nhận đỡ đầu 2 trường hợp trẻ mồ côi, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, gần 3 năm qua, Mặt trận và các hội đoàn thể xã cũng đã hỗ trợ xây mới 3 ngôi nhà và trao con giống cho hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, cho biết, điều quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo là nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, đặc biệt là các hộ nghèo, không trông chờ ỷ lại mà nỗ lực vươn lên, có trách nhiệm cao khi nhận được sự hỗ trợ. Nhờ đó, số hộ thoát nghèo, cận nghèo của xã trong những năm gần đây luôn vượt chỉ tiêu huyện giao. Hiện nay, xã còn 32 hộ nghèo (chiếm 1,54%); 56 hộ cận nghèo (chiếm 2,7%). Cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54 triệu.
Thoát nghèo từ phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương
Xã Bình Khương, huyện Bình Sơn xóa đói giảm nghèo bằng phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương chứ không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Địa phương này có lợi thế về phát triển rừng với diện tích lên đến 1.300ha. Trong thời gian qua, lâm nghiệp mang lại nhiều giá trị kinh tế nên đã thu hút người dân quan tâm đầu tư phát triển rừng, tăng thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Văn An, xã Bình Khương, đã tham gia tập huấn tiếp cận khoa học kỹ thuật, nên đã bỏ tập quán canh tác cũ lạc hậu, lựa chọn cây giống, sạch bệnh, biết trồng và chăm sóc cây keo tốt hơn. Gia đình ông đã trồng 5ha cây keo nguyên liệu. Trong 3 năm đầu, ông đầu tư cây giống, chăm sóc, dọn thực bì. Gia đình ông mới thu hoạch 5ha keo, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng. Với đất đồi ở đây, không trồng gì hợp và cho hiệu quả kinh tế cao như cây keo.
Trồng keo mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhu cầu cây giống rất lớn. Ông Nguyễn Thanh Ánh, Trưởng Ban Giám sát HTX Nông nghiệp Bình Khương, cho biết, nhận thấy nhu cầu về cây giống lâm nghiệp tăng cao, mô hình ươm keo giống của HTX được ra đời. Diện tích đất trồng keo HTX quản lý hiện có 7ha, trong đó, vườn ươm keo 4.000 mét vuông, còn lại là diện tích keo lớn 1 năm tuổi và 2 năm tuổi. Các thành viên của HTX đã rất kỳ công để ươm được cây giống khỏe mạnh, từ khâu chọn đất, làm bầu… HTX cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân
Hiện nay, HTX có khoảng 250 nghìn cây xuất bán, bình quân mỗi cây keo con có giá 900 đồng.... Không chỉ bán cây giống, HTX còn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân. Vườn ươm keo giống của HTX cũng góp phần giải quyết việc làm cho 6 lao động ở địa phương, giúp bà con có thu nhập, cải thiện cuộc sống. Kinh tế lâm nghiệp đã góp phần giúp thu nhập bình quân trên đầu người của xã Bình Khương đạt 54,6 triệu đồng/ người/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương Ung Hồng Linh cho biết, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thoát nghèo. Toàn xã có 1.320 hộ, trong đó hộ nghèo 36 hộ, chiếm tỷ lệ 2,27%; hộ cận nghèo 58 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39% %. Từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu giảm 3 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo theo chỉ tiêu huyện giao.
Nhờ định hướng đúng và nỗ lực cao của cán bộ và người dân các xã như xã Bình Hòa, xã Bình Khương mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bình Sơn đang giảm nhanh, các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp đỡ người dân từng bước thoát khỏi khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bình Sơn chỉ còn 2,09%. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,29% và giảm 2,2% hộ cận nghèo.
Ông Phạm Quang Sự, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn, cho biết thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai thực Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Thực hiện phân bổ và bố trí ngân sách huyện đối ứng bảo đảm theo quy định, kịp thời. Ban hành đầy đủ các kế hoạch, phê duyệt các dự án để triển khai thực hiện và giải ngân cơ bản bảo đảm yêu cầu. Nhờ đó, công tác giảm nghèo được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ.
Ông Sự nhấn mạnh: “Để đạt mục tiêu cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,29% và giảm 2,2% hộ cận nghèo, UBND huyện tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội; lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân, phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững”.