Với người Hà Nội, Ô Quan Chưởng (Ðông Hà môn, thuộc quận Hoàn Kiếm) không chỉ là di tích. Ðó là nơi chất chứa những nỗi niềm. Từng có một tòa thành bao quanh Thăng Long - Hà Nội. Từng có đến 21 cửa ô. Nhưng rồi, chỉ còn lại duy nhất cửa ô này. Nơi đây còn ghi dấu ký ức oai hùng, khi quân Pháp nổ súng tiến công thành Hà Nội năm 1873, một vị Chưởng cơ cùng đội quân của mình đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng. Ô Quan Chưởng như một chứng nhân, ghi dấu những biến thiên của lịch sử. Mỗi khi qua đây, hầu như ai cũng lắng lòng khi tìm lại được bóng dáng xưa của kinh thành. Dưới rêu phong Ô Quan Chưởng, có một người đang ngày ngày lặng lẽ chăm sóc di tích này.
Ô Quan Chưởng không như những di tích khác, có khu vực khoanh vùng bảo vệ riêng. Nơi đây cuộc sống sôi động thường ngày vẫn diễn ra, xe cộ vẫn đi lại tấp nập. Không phải mọi người dân đều có ý thức tại không gian chung ấy. Chiếc vòm cổng là nơi dừng chân tránh nắng của nhiều hàng rong và khách bộ hành. Nhưng đôi khi người đi qua, rác ở lại. Ông Tạ Văn Nhân rời quân ngũ cách đây 20 năm có lẻ. Nhà ông ở ngay đầu phố Thanh Hà. Chứng kiến cảnh rác vương vãi khắp nơi, thấy xót xa cho di tích, ông tự nguyện cầm chổi ra quét dọn cho sạch sẽ. Ðã thế, thi thoảng trên tường xuất hiện những nét vẽ của một số bạn trẻ thiếu ý thức muốn để lại "dấu ấn" khi đến tham quan cửa ô. Lại có người tò mò tìm cách trèo lên để xem phía trên có những gì. Ông Nhân vác ghế ra ngồi ngay cạnh cửa ô, hễ thấy ai làm gì sai trái thì nhắc nhở.
Ngoảnh đi, ngoảnh lại, khi mới bắt đầu công việc, ông Nhân mới sang tuổi trung niên. Giờ thì mái đầu đã bạc ở tuổi 70. Nhiều người bảo cái việc ông Nhân làm là kỳ quặc. Chẳng ai phân công, trả lương thì lại càng không. Cũng chính bởi thế, khi ai đó hỏi về công việc mình làm, ông cũng rất chừng mực trả lời. Ông chỉ bảo mình rảnh rỗi, có thời gian thì tham gia việc chung, coi đó là niềm vui của tuổi già, cũng là để tri ân người đi trước. Công việc không vất vả, song không tránh được những va chạm. Nhiều người tìm cách trèo lên, hay đang xả rác bỗng nhiên thấy một ông già ra ngăn cản. Họ cự lại. Họ "vặn" ông có phải người của cơ quan chức năng không mà can thiệp. Những lúc ấy, ông thường kiên trì, mềm dẻo đến tận khi người ta nhận ra sai sót.
Ô Quan Chưởng được kết cấu theo kiểu vọng lâu. Phía trên cửa vòm là vọng gác của quân lính ngày xưa. Nhìn từ phía trên mới biết, những cây xà cừ lớn gần đó tạo không ít việc cho ông Nhân, nhất là mùa cây rụng lá. Ðể tránh ảnh hưởng tới người đi lại bên dưới, ông Nhân thường dậy sớm, quét dọn từ lúc 6 giờ. Sau khi dọn phần trên, ông mới xuống quét dọn phía dưới. Người ta làm việc một ngày tám giờ, riêng ông Nhân "canh" Ô Quan Chưởng đúng 12 giờ, đến xẩm tối mới về. Trên vọng lâu có một ban thờ nhỏ, thờ vị Chưởng cơ và những người lính hy sinh trong trận chiến chống lại quân Pháp năm ấy. Vào các ngày rằm, mồng một (âm lịch), ông luôn cẩn thận mua đồ lễ, thắp hương để tưởng nhớ anh linh các vị tiền nhân.
Ô Quan Chưởng đã trở thành một phần cuộc sống với ông Nhân. Ông nhớ từng bậc thang lên xuống. Ông nhớ từng vết nứt trên bức tường cổ, nhớ chỗ nào rêu ít, rêu nhiều. Có tuổi, mỗi lúc leo trèo đã khó khăn hơn. Nhưng ông Nhân chưa tính ngày dừng lại. Ông già bình dị, không học nhiều về lịch sử, song lại nhớ nhiều bài hát, câu thơ về những cửa ô. Gặp những vị khách du lịch say mê với di tích này, thi thoảng, ông đọc tặng cho họ những câu thơ mà không phải ai cũng biết…