Định vị bản sắc, thương hiệu cho Thành phố sáng tạo

Với việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội đặt sáng tạo, nhất là sáng tạo văn hóa vào trung tâm của quá trình phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em tham gia một hoạt động tại Ðoài Creative - không gian sáng tạo dựa trên phát huy giá trị di sản của Hà Nội.
Trẻ em tham gia một hoạt động tại Ðoài Creative - không gian sáng tạo dựa trên phát huy giá trị di sản của Hà Nội.

Bốn năm qua, cộng đồng sáng tạo ngày một lớn mạnh, khiến nhiều người nhận thức được sáng tạo là yếu tố then chốt để tạo ra những sản phẩm có sức hút. Hà Nội cũng đã bước đầu định vị bản sắc của mình. Nhưng để nâng tầm thương hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội cần phải có kế hoạch đầu tư bài bản, có chính sách riêng về phát triển nguồn lực, không gian phát triển cho sáng tạo.

Bốn năm trước, khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, nhiều người đã "ngỡ ngàng" bởi nhiều khái niệm có phần mới lạ. Nhưng đến nay, hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống đều chuyển động cùng sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Hà Nội hoàn thiện thể chế cho xây dựng Thành phố sáng tạo, thực hiện các cam kết với UNESCO.

Nổi bật trong đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Kế hoạch số 102/KH-UBND thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025… Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Ðỗ Ðình Hồng, Kế hoạch số 102 xác định rõ sáu sáng kiến, gồm: Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo, xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo, chương trình truyền hình tài năng sáng tạo, Lễ hội Thiết kế sáng tạo, tổ chức Diễn đàn mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Ðông Nam Á năm 2023 và Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Quyết tâm của thành phố tạo động lực để cộng đồng nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo dấn thân vào những hoạt động sáng tạo mới mẻ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 200 không gian sáng tạo, với nhiều hình thức khác nhau, từ những tổ hợp văn hóa-sáng tạo cho đến những mô hình thực hành sáng tạo gắn với kinh doanh ẩm thực… Hà Nội cũng đã định vị được bản sắc trong xây dựng Thành phố sáng tạo. Ðó chính là sáng tạo trên nền tảng kho tàng di sản đồ sộ của mình.

Sự chuyển mình của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong hoạt động, sự ra đời của những không gian như Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (tại làng gốm Bát Tràng), hay nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa khai thác từ "vốn" di sản là những minh chứng sống động. Mới đây nhất, triển lãm "Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại" là một điển hình khi có sự phối hợp giữa nghệ nhân-nhà thiết kế trẻ để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống.

Tuy nhiên, thực tế, việc xây dựng, phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Những Trung tâm Thiết kế sáng tạo quy mô vẫn chưa thể hình thành. Các không gian sáng tạo còn nhỏ lẻ, manh mún và thiếu bền vững. Các nghệ nhân còn lúng túng trong sáng tạo sản phẩm.

Ðể nâng tầm thương hiệu "Thành phố sáng tạo", Hà Nội cần có kế hoạch đầu tư bài bản, có chính sách riêng về nguồn lực, không gian cho các sáng tạo. Kiến trúc sư Ðoàn Kỳ Thanh chia sẻ: "Các nhóm ngành nghề được nêu ra trong Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố có thể tạo ra sự bùng nổ, mang lại hiệu quả cao trong thu hút công chúng khi làm việc trong một không gian gần gũi, có khả năng tương tác với nhau. Ðiều này đặt ra vấn đề xây dựng hệ sinh thái chung, phải tạo ra tổ hợp sáng tạo đủ lớn. Hà Nội cần có chính sách chung trong quy hoạch không gian cho các sáng tạo, tạo cơ chế sử dụng đất, quy hoạch đô thị để tạo không gian sáng tạo mang tính bền vững, giúp các nhà sáng tạo yên tâm đầu tư và tạo ra những sản phẩm sáng tạo bền vững, lâu dài. Hà Nội hiện còn có những không gian bị bỏ hoang có thể khai thác, sáng tạo để đưa vào đời sống. Thành phố nên có cơ chế để sử dụng những không gian này".

Nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Dự án Về làng Ngô Quý Ðức cho biết: "Tuy các làng nghề đã được chú trọng, nhưng việc đầu tư nguồn lực chưa tương xứng, cho nên chưa đạt hiệu quả. Nhiều sản phẩm sáng tạo của các làng nghề còn thiếu và yếu. Hà Nội không thiếu nguồn lực con người, chúng ta có các nhà thiết kế trẻ là những sinh viên học mỹ thuật của các trường đại học, các làng nghề với nhiều thợ giỏi, tay nghề cao. Vấn đề là cần có sự kết nối để các nhà thiết kế gặp gỡ được các nghệ nhân làng nghề. Cần có các hoạt động tương tác giữa các nhóm đối tượng để từ đó sáng tạo ra được những sản phẩm mới".

Trong dịp Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đóng góp ý kiến cho Hà Nội. Ngài John Peto, đại diện Thành phố Sáng tạo Văn hóa Derry-Londonderry (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) chia sẻ: "Hoạt động sáng tạo cần được phát huy toàn xã hội và tập hợp các sáng tạo ấy cho sự phát triển. Các thành phố cần đầu tư kỹ năng sáng tạo để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ, phối hợp sáng tạo, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với thành phố Londonderry. Khi bắt đầu xây dựng Thành phố sáng tạo, chúng tôi cũng gặp những xung đột trong phát triển. Vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý rất quan trọng trong việc tạo nguồn lực, cơ chế, cơ hội để tập hợp cộng đồng, khơi nguồn cho những sáng tạo phát triển. Ðể phát triển Thành phố sáng tạo bền vững và lâu dài, yếu tố cộng đồng, con người đóng vai trò quyết định".