Ông Vũ Hoa Thảo năm nay đã gần 60 tuổi. Năng động, xốc vác, ông phóng xe máy vùn vụt đi khắp nơi. Công việc của một Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh và dịch vụ phường Quảng An bận hơn nhiều người nghĩ. Bởi lẽ ở Quảng An còn rất nhiều nông dân chuyên nghề trồng cây cảnh, ướp trà sen. Ấy thế mà khi ngồi bên những bông sen vừa hái về, người ta lại thấy ở ông một con người khác. Con người sôi nổi, xông xáo bỗng biến đâu mất, thay vào đó là một con người tỉ mẩn, nhẫn nại với những hạt gạo sen tí xíu. Đôi tay thoăn thoắt gỡ những lớp cánh sen, ông bảo, sen Tây Hồ ngoài lớp cánh to ở ngoài, còn năm lớp cánh nhỏ bên trong. Các giống sen khác chỉ có một lớp cánh to mà thôi. Phải gỡ rất khéo để khỏi mất "gạo sen" - chính là những "túi hương" để ướp trà. Sen Tây Hồ hương rất đằm, lâu phai. Nghề ướp trà sen đã có ở Quảng An mấy trăm năm nay. Bởi đây là vùng tập trung nhiều sen nhất của hồ Tây. Những năm trước chiến tranh, kinh tế khó khăn, dù xã hội không biết đến nhiều, nhưng cái thú ướp và thưởng trà sen cầu kỳ của người Quảng An vẫn âm thầm tồn tại. Ông Thảo nối nghề của gia đình và đã hơn 30 năm gắn bó với việc ướp trà.
Nhiều người vẫn bảo trà sen thì nhiều nơi có. Miền nam có những cánh đồng sen bát ngát, cũng ướp trà, hà cớ gì cứ phải sen Tây Hồ mới quý? Nhưng đấy là khi chưa hiểu quy trình ướp sen Tây Hồ. Sen Tây Hồ thơm hơn đã đành. Quy trình ướp không đâu công phu như ở Quảng An. Ông Thảo và gia đình phải dậy từ sáng sớm, khi bông sen chưa hé nở. Tách thật mau những hạt "gạo sen" bé xíu ra mà không được ngồi ở hướng gió, bật quạt cũng không. Tất cả đều nhằm giữ hương thơm khỏi bay mất. Nhưng cầu kỳ nhất vẫn là khâu "vào hương". Trước khi "vào hương", trà phải được ướp cánh hoa sen từ một đến hai lần, để có độ ẩm thích hợp và cũng để loại bỏ bớt mùi tạp. Sau đó, cứ một lớp trà, lại rắc một lớp gạo sen. Cứ ba ngày một lần, lớp gạo sen đó được sàng ra, bỏ đi, thay bằng một lượt gạo sen mới. Xen giữa những lần đó là sấy trà bằng hơi nước. Tổng cộng một mẻ trà sen phải qua bảy lần ướp, mất đúng 21 ngày. Ông Thảo bảo, tính ra, cứ mỗi ấm trà sen ướp kiểu này mất khoảng 15 bông sen. Một cân trà tốn từ 1.400 đến 1.500 bông sen. Nhưng "quý vật" tầm "quý nhân". Với mức giá chín triệu đồng/kg như bây giờ, trà sen vẫn không đủ bán, vì trước đó nhiều người đã đặt mua để làm quà cho người phương xa.
Sinh ra, lớn lên bên hồ Tây, chứng kiến nhiều đổi thay, ông Vũ Hoa Thảo rất băn khoăn về tương lai nghề ướp trà. Tốc độ đô thị hóa khiến đầm sen hẹp lại, rồi tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Thảo cho biết: "Giống sen Tây Hồ rất ưa nước sạch. Bây giờ nguồn nước ô nhiễm làm chúng tôi rất lo". Làm thế nào để giữ nghề ướp trà sen trong khi cây sen ở Tây Hồ đang dần bị "đe dọa"? Từ những năm 2010-2011, ông Vũ Hoa Thảo đã bắt đầu lặn lội đến các vùng ven Hà Nội tìm "nhà mới" cho cây sen. Cái khó là vừa phải tìm được thổ nhưỡng tương đồng với vùng hồ Tây, vừa không cách xa nơi chế biến, vì thời gian vận chuyển ảnh hưởng chất lượng ướp trà. Đặc biệt là các đầm cần có lớp bùn dày, chung quanh đầm phải không có người ở để hạn chế ô nhiễm. Cái khó của cây đặc sản là thế. Cuộc "tái định cư" cho cây sen Tây Hồ gian nan không kém. Sau nhiều tìm tòi, ông Thảo mạnh dạn phối hợp với một chủ đầm tại Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) trồng thử sen Tây Hồ. Sau ba năm, sen bắt đầu trổ hoa, và đến năm nay, mỗi ngày đầm ở Đông Ngạc đã cho ra hàng nghìn bông sen. Ông Thảo kiểm định chất lượng, độ thơm, kích cỡ bông hoa đã bằng 80% sen gốc Tây Hồ. Gia đình ông Thảo mừng lắm. Thế là thành công bước đầu. Ông lại trồng tiếp tại một địa điểm mà giờ ông giữ bí mật ở Đỗ Xá (huyện Thường Tín). Năm nay, đầm sen ở Đỗ Xá lần đầu khai hoa. Vẫn chưa thể bằng sen Tây Hồ được. Nhưng ông Thảo cố gắng cải tạo đầm dần dần để cho gần với chất lượng sen Tây Hồ. Để bảo đảm chất lượng trà sen, với loại sen Tây Hồ ở đất mới, ông Thảo phải dùng 2.000 bông mới ướp được một cân trà. Một vài người thấy thành công của ông Vũ Hoa Thảo cũng đã bắt đầu thử nghiệm nhân giống sen ở nơi khác.
Ông Vũ Hoa Thảo đón mùa ướp trà năm nay trong tâm trạng nửa buồn, nửa vui. Cây sen đã được ông "an cư" tại "nơi ở" mới, tạo vùng nguyên liệu dồi dào hơn để giữ nghề ướp trà cổ truyền. Nhưng chính tại hồ Tây, sen đầm Thủy Sứ năm nay không ra hoa. Ông Thảo và người dân Quảng An "đau" lắm. Nước thải từ khách sạn và công trình xây dựng gần đó thải ra liên tục, khiến đầm Thủy Sứ, vốn rộng 3,5 ha bị ô nhiễm nặng nề, nhiều loài thủy sinh không trụ được. Ông Thảo chia sẻ: "Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng chưa thấy hồi âm. Chúng tôi biết nguồn gây ô nhiễm, nhưng xác minh và xử lý cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Trà sen không đơn thuần là nghề cổ truyền của địa phương, mà hoa sen, trà sen Tây Hồ còn là đặc trưng của văn hóa Hà Nội. Nếu các cấp chính quyền không sớm can thiệp thì hồ Tây sẽ sớm mất đi một đầm sen quý".