Đặt niềm tin vào phát triển kinh tế số nông nghiệp

Công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Việt Nam, việc ứng dụng nền tảng số hóa nông nghiệp được thực hiện trên nhiều khía cạnh như: dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), robot, trí tuệ nhân tạo (AI)... đã bước đầu tác động tới nhiều mặt của nền sản xuất, mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam vươn tầm lớn mạnh.
Ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước khép kín tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hữu Tùng
Ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước khép kín tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hữu Tùng

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp được xác định là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Sức hút số hóa trong nông nghiệp

Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam (RYNAN) Hồng Quốc Cường cho biết, RYNAN là công ty đổi mới sáng tạo chuyên cung cấp sản phẩm, giải pháp số ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, thủy sản thông minh và truy xuất nguồn gốc trên cơ sở nghiên cứu, sản xuất và thương mại các sản phẩm kết nối IoT, giải pháp thông minh, thị giác máy tính, dịch vụ phần mềm, ứng dụng di động (app)...

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sử dụng giải pháp và thiết bị mà công ty cung cấp. Giải pháp số đã thực hiện quản lý đồng bộ nhiều công đoạn trên các cánh đồng lúa và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, giúp kiểm soát nguồn nước, giám sát sâu rầy; ứng dụng ghi nhật ký điện tử; truy xuất nguồn gốc theo hình thức gắn mã QR trên sản phẩm…

Cụ thể, máy cảm ứng mực nước ruộng thông minh có thể tự động đo mực nước trên ruộng lúa phục vụ canh tác ngập khô xen kẽ; hệ thống quan trắc nước thông minh đo và cập nhật liên tục độ mặn, pH…; hệ thống giám sát khí methane thông minh với các chỉ số được đo lường theo thời gian thực, có thể truy xuất được thông qua app RYNAN MEMS.

Đứng trước vườn bưởi da xanh được canh tác theo phương pháp hữu cơ, ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) hào hứng chia sẻ: Hợp tác xã hiện là một trong những đơn vị hàng đầu của tỉnh về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Hiện chúng tôi ứng dụng các thiết bị kiểm soát hạn mặn, sâu rầy, tưới thông minh của RYNAN nên việc làm nông “khỏe” vô cùng.

Nhớ lại nhiều năm trước khi chưa được tiếp cận nông nghiệp thông minh, toàn bộ bà con hợp tác xã hầu như năm nào cũng đứng ngồi không yên với hạn mặn, sâu bệnh vì đều phải theo dõi bằng mắt thường, không có thiết bị đo đếm nào cả. Giờ đây, theo ông Bảy, nhờ lắp đặt các thiết bị công nghệ cao, nông dân chỉ cần nhìn app trên điện thoại là mỗi mùa hạn mặn đều đo được độ mặn, biết lúc nào có nước ngọt, khi đó máy bơm sẽ tự động đưa nước vào.

Đối với sâu bệnh cũng thế, trên app hiện chính xác từng loại xuất hiện, mật độ bao nhiêu để ứng phó, phòng trừ… Nhờ đó hiệu quả sản xuất được tăng lên rõ rệt. Hiện các sản phẩm bưởi của hợp tác xã đạt OCOP 4 sao, toàn bộ diện tích hơn 50 ha đều có mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Đây là một trong những thí dụ điển hình về triển vọng tươi sáng của mục tiêu “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Từ những doanh nghiệp đã có thành tựu vững vàng nhờ chuyển đổi số, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào phát triển kinh tế số nông nghiệp. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), không chỉ ứng dụng công nghệ IoT vào việc giám sát chăn nuôi theo chuẩn nông nghiệp thông minh, mà các nhà máy sữa của Vinamilk còn được trang bị dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng với thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến hàng đầu hiện nay.

Nhà máy hoạt động trên một dây chuyền tự động, khép kín. Hệ thống vận hành đều dựa trên giải pháp tự động hóa Tetra Plant Master, cho phép kết nối, tích hợp toàn bộ nhà máy từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra. Nhờ đó có thể điều khiển mọi hoạt động diễn ra trong nhà máy, theo dõi và kiểm soát chất lượng liên tục. Hệ thống Tetra Plant Master cũng cung cấp tất cả dữ liệu cần thiết giúp nhà máy có thể thường xuyên nâng cao hoạt động sản xuất và bảo trì.

Để lấp đầy khoảng trống về dữ liệu số và hạ tầng công nghệ số

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu.

Để làm được điều đó, cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường,... kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ. Từ đó làm cơ sở cho việc phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.

Tuy nhiên, việc này gặp khó khăn do hiện tại chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức luật; các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin; dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị; dữ liệu mở cơ bản tăng về số lượng nhưng chưa khai thác, sử dụng được do không ở định dạng máy có thể đọc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ cũng chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu. Do đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Công nghệ thông tin; ban hành Luật Dữ liệu, Luật Chuyển đổi số để bảo đảm hành lang pháp lý đồng bộ, góp phần xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp…

Để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, bên cạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu, việc phát triển hạ tầng công nghệ số là cần thiết. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hạ tầng công nghệ số của nước ta hiện nay còn lạc hậu, chi phí cao trong khi thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi phải có hạ tầng số đồng bộ, hiện đại.

Chi phí dịch vụ viễn thông 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử cũng như gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Do đó, cần có chính sách phát triển hạ tầng phục vụ phát triển IoT trong triển khai Chính phủ số và phát triển kinh tế số nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn số, nông dân số; Xây dựng lộ trình và triển khai số hóa, thông minh hóa hạ tầng trong quản lý, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm được rất nhiều chi phí. Thực tế, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ có đủ năng lực giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi số thành công, thực hiện tiết kiệm chi phí.

Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp này với ngành nông nghiệp trên cơ sở ngành nông nghiệp cung cấp dữ liệu nông nghiệp và doanh nghiệp cung cấp lại cho ngành nông nghiệp các sản phẩm dưới dạng dịch vụ số. Tiếp đến là triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cả bề rộng và chiều sâu, đẩy mạnh hơn nữa quá trình gia tăng giá trị của toàn ngành nông nghiệp.

Nghiên cứu quốc tế cho thấy, chuyển đổi số sẽ cho phép giảm được tới 23% chi phí lao động ngành nông nghiệp. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số giảm được 14% chi phí. Dùng công nghệ số để bón phân tùy biến theo từng loại cây trồng tiết kiệm 12% chi phí. Lái xe tự động trong nông nghiệp giúp giảm tới 13% chi phí…