Đánh thức du lịch cù lao Mây

Cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) là địa điểm không thể không nhắc đến mỗi khi nói về những cù lao trên Sông Hậu. Nơi đây hội tụ các yếu tố để phát triển du lịch, từ không khí trong lành, mát mẻ, sông nước hữu tình cho đến miệt vườn cây trái sum suê.
0:00 / 0:00
0:00
Làng nghề bánh tráng ở cù lao Mây. (Ảnh Lý Long)
Làng nghề bánh tráng ở cù lao Mây. (Ảnh Lý Long)

Chuyến đò nhỏ chạy chầm chậm đưa tôi đến với cù lao Mây, một cù lao xanh tươi nằm giữa hai nhánh dòng sông Hậu và sông Trà Ôn hiền hòa. Bác lái đò trạc tuổi 60, vốn không lạ với những đoàn khách đến nơi đây bằng xe gắn máy. Như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, ông gần như thuộc lòng tất cả mọi điều về miền đất, nơi ông sinh ra và lớn lên. Cù lao Mây có diện tích tự nhiên hơn 4.000ha, trong đó đất sản xuất chiếm khoảng 2.500ha. Trước đây, người dân sống giữa vùng sông nước, giao thương với đất liền chỉ dựa vào ghe, xuồng. Ðường bộ chỉ là đường mòn qua nhiều cầu khỉ đong đưa đặc trưng vùng sông nước.

Hơn 10 năm trước, tận dụng lợi thế về khí hậu, thiên nhiên và nhất là các vườn cây trĩu quả, người dân tính đến chuyện làm du lịch. Ban đầu, chỉ có một ít khách lẻ đến thăm thú. Dần dần, cù lao Mây được nhiều người biết đến và trở thành điểm đến hấp dẫn của huyện Trà Ôn nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung; vì thế mà khởi sắc. Những con đường được xây dựng chạy xuyên qua tán lá. Những khu sinh thái mọc lên, không chỉ đưa du khách trải nghiệm miệt vườn mà còn có thêm các trò chơi dân gian, món ăn đặc sản địa phương. Những người nông dân vốn xuất thân từ ruộng đồng, trở thành các “ông chủ”, “bà chủ”, phục vụ du khách bằng sự chân chất, gần gũi, thân thiện của con người miền Tây.

Cù lao Mây được ví như một đoàn tàu neo đậu giữa dòng sông Hậu bởi ngoài cù lao lớn, chung quanh còn bao bọc bởi nhiều cồn nhỏ. Theo người dân địa phương, có nhiều truyền thuyết, giai thoại về tên gọi địa danh này. Người thì nói rằng tên gọi xuất phát từ việc ở đây có nhiều dây mây rừng đan xen trong một khu cây cỏ hoang dại. Cũng có truyền thuyết kể lại rằng, vào giữa thế kỷ 18, thời điểm Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn, khi xuôi dòng sông Hậu, ông gặp một cù lao và cho thuyền ghé lại để trú ẩn.

Về sau, Nguyễn Ánh đặt tên là cù lao Vân Châu (vân là mây, châu là cù lao) vì nhìn từ xa, mảnh đất này trông giống một áng mây bồng bềnh trên sóng nước. Ðến sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng lấy tên một chiến sĩ Vệ quốc đoàn hy sinh trong trận chiến đấu đầu tiên ở đây, đặt là cù lao Lục Sỹ Thành.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ một khu sinh thái ở cù lao Mây cho biết, nơi đây được thừa hưởng nước ngọt và phù sa của dòng sông Hậu cho nên đất đai tươi tốt, khí hậu mát mẻ. Cây trái thu hoạch quanh năm, mùa nào trái nấy, trồng bất cứ cây gì cũng thuận. Từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, cả dải đất trở thành nơi trưng bày các loại trái cây đặc sản. Chính vì thế, cù lao Mây nổi tiếng với biệt danh “xứ sở của các loài cây ăn trái”.

Theo anh Bùi Nam, giám đốc một công ty lữ hành tại Hà Nội, cù lao Mây có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nơi đây chỉ cách bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) khoảng 10km, mất 45 phút di chuyển bằng đường sông, phù hợp để mở các tua, tuyến tham quan kết hợp. Bên cạnh đó, sự phong phú của các vườn cây ăn quả cũng như các loại hình du lịch đặc thù miền Tây Nam Bộ cũng là những lợi thế không nhỏ. Người dân ít được đào tạo bài bản về du lịch, nhưng bù lại, họ có sự thân thiện, mến khách và chất phóng khoáng mang đậm đặc thù vùng sông nước Cửu Long.

Người dân ở cù lao Mây cho biết, ngoài sông nước miệt vườn nơi đây còn có nhiều điểm đến thú vị để khám phá như đình Hậu Thạnh, được vua Tự Ðức sắc phong Thành hoàng bổn cảnh năm 1852, là một trong những ngôi đình có tuổi đời lâu năm và cổ kính nhất tại Vĩnh Long. Chợ nổi Trà Ôn nằm giáp với cù lao cũng là điểm đến hấp dẫn.

Tại đây, du khách có thể khám phá phiên chợ đặc trưng của Tây Nam Bộ cũng như mua những sản phẩm, hàng hóa mang đậm bản sắc đồng bằng sông Cửu Long. Một địa điểm nữa không thể không ghé qua khi đến cù lao Mây là làng nghề bánh tráng có tuổi đời hơn trăm năm. Ngoài các sản phẩm quen thuộc như bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, các hộ dân còn sáng chế nhiều sản phẩm hấp dẫn như các loại bánh tráng nướng dừa, củ dền, thanh long…

Giám đốc Hợp tác xã Bánh tráng cù lao Mây Lê Văn Thông cho biết, đến nay, vẫn có hàng chục hộ dân gắn bó với nghề truyền thống. Nếu như trước đây, người dân sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường thì nay, các hộ đã biết cách làm du lịch. Du khách ghé qua đều vô cùng thích thú khi được chứng kiến người thợ làm ra những chiếc bánh thơm ngon.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, quản lý Khu du lịch Tám Trong, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cù lao Mây cho biết, tiềm năng du lịch là điều ai cũng thấy rõ. Hiện nay, hàng nghìn lượt khách đến đây mỗi dịp cuối tuần đã tạo động lực rất lớn cho các hộ dân. Khu du lịch Tám Trong ra đời gần 8 năm, với những khó khăn từ nguồn vốn cho đến kinh nghiệm, quản lý. Dần dần, khi đã quen với cách làm, mọi thứ hoạt động trơn tru, nhiều du khách ghé qua.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững vẫn là bài toán mà bất cứ hộ dân nào ở đây cũng đau đáu bởi thiếu kiến thức về du lịch, chưa biết cách quảng bá. Theo ông Lê Văn Thông, mang đến sự hài lòng cho du khách là một chuyện, để người dân trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn lại là câu chuyện khác. Làm sao quảng bá hình ảnh hiệu quả vẫn là bài toán khó đối với phát triển du lịch bền vững ở cù lao Mây. Vì vậy, việc người dân được hỗ trợ đào tạo bài bản hơn về cách làm du lịch là điều hết sức cần thiết.