Cô giáo kiến tạo “Ngôi trường hạnh phúc”

Học sinh trung học phổ thông thường có những diễn biến phức tạp về tâm, sinh lý. Để các em gắn bó với trường lớp, luôn cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cô Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa) đã cùng các giáo viên triển khai xây dựng “Ngôi trường hạnh phúc”. Mô hình này đã giúp nhiều em học sinh tháo gỡ những biến động tâm lý của tuổi mới lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Phan Thị Thục Hạnh cùng các em học sinh trong Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Trường trung học cơ sở Phương Mai.
Cô Phan Thị Thục Hạnh cùng các em học sinh trong Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Trường trung học cơ sở Phương Mai.

Ngay từ khi trực tiếp đứng trên bục giảng làm công tác giảng dạy, cô giáo Phan Thị Thục Hạnh rất quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm của học trò, nhất là với các em ở lứa tuổi mới lớn. Theo cô Thục Hạnh, khác với cấp tiểu học, học sinh trung học cơ sở ở độ tuổi chập chững trưởng thành.

Tâm, sinh lý các em rất phức tạp. Nếu không may bị điểm kém, hoặc có hành động gì chưa tốt, bị bạn bè chê cười, có thể các em sẽ xa lánh thầy, cô giáo, bạn bè; thậm chí, còn có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Lại có những em có biểu hiện đua đòi, không chú tâm học tập.

Chưa kể, nhiều em học sinh ở lứa tuổi này bắt đầu tò mò “chuyện người lớn”, hay manh nha có tình cảm với những bạn khác giới. Vì thế, cô trăn trở xây dựng một “Ngôi trường hạnh phúc”, với ưu tiên tháo gỡ những vướng mắc về tâm, sinh lý cho các em học sinh, giúp các em yêu mến, gắn bó với mái trường.

Để xây dựng “Ngôi trường hạnh phúc”, cô Phan Thị Thục Hạnh triển khai “Phòng tư vấn tâm lý học đường” trong nhà trường. Cô Hạnh cho biết: “Những nguyên tắc được nhà trường đặt ra với căn phòng đặc biệt này là “Lắng nghe-tôn trọng-thấu hiểu-tin tưởng”. Chúng tôi lựa chọn giáo viên phù hợp phụ trách “Phòng tư vấn tâm lý học đường”, sau đó cử các giáo viên, học tập đi tập huấn để trang bị kiến thức giúp học sinh vượt qua những vấn đề tâm lý học đường”.

Nhà trường cũng giới thiệu rộng rãi đến các em, công bố số điện thoại của các cô giáo để các em có thể tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại. Bản thân cô cũng trực tiếp tham gia tư vấn “gỡ rối” cho học sinh, xóa đi khoảng cách là thầy, cô giáo với học trò, mà như đã trở thành những người bạn thân thiết của nhau.

Với cương vị là người đứng đầu nhà trường, cô Phan Thị Thục Hạnh còn rất quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Gần đây nhất, “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam” đã được tổ chức trong khuôn viên nhà trường với nhiều hoạt động như: Talkshow “Phát triển văn hóa đọc sách trong nhà trường”; Trưng bày và triển lãm sách; thuyết trình về chủ đề sách được chọn để triển lãm… và được các em học sinh đón nhận, hưởng ứng…

Trường trung học cơ sở Phương Mai cũng là điểm sáng trong giáo dục giới tính. Nhà trường thực hiện lồng ghép giáo dục giới tính trong các môn học, các giờ học: Giáo dục công dân, Sinh học, hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, chào cờ… Nhà trường còn tổ chức giáo dục giới tính qua chuyên đề học tập ngoại khóa với các nội dung: Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, Phòng chống xâm hại tình dục, an toàn an ninh mạng vị thành niên, bình đẳng giới…

Nhờ tâm huyết, trách nhiệm của cô giáo Phan Thị Thục Hạnh, Trường trung học cơ sở Phương Mai đang có sự thay đổi lớn, một diện mạo mới, và tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng “Ngôi trường hạnh phúc”.