Nữ sinh say mê nghiên cứu công nghệ nano và các loại vật liệu mới

Các nghiên cứu của Bùi Hạnh Nhung (trong ảnh), sinh viên Trường đại học Phenikaa, tập trung vào chế tạo, khai thác các tính chất ưu việt của vật liệu mới và công nghệ nano. Cô gái trẻ mong muốn những nghiên cứu này góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Bùi Hạnh Nhung tham gia nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Bùi Hạnh Nhung tham gia nghiên cứu khoa học.

Bùi Hạnh Nhung là một trong 20 gương mặt trẻ vừa được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng “Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam”. Nhung hiện là sinh viên ngành Công nghệ vật liệu, Trường đại học Phenikaa (Hà Nội). Bên cạnh thành tích học tập xuất sắc, cô gái trẻ còn đoạt nhiều giải thưởng trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Nhung có hai công bố quốc tế thuộc danh mục Q1. Nhung cho biết: “Em bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học vào cuối năm thứ hai. Đây có thể là thời điểm khá muộn so với nhiều người, nhưng với em đó là lúc phù hợp, khi bản thân em đã sẵn sàng về kiến thức, kỹ năng và thời gian”.

Trong rất nhiều đề tài đoạt giải nhất, nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, Nhung tâm đắc nhất với những nghiên cứu có sự liên ngành của vật liệu, công nghệ nano, hóa học, điện tử và cả công nghệ thông tin. Hướng nghiên cứu của cô gái trẻ tập trung chủ yếu về nghiên cứu, chế tạo các loại vật liệu nano có kích thước siêu nhỏ, vật liệu tổ hợp nano composite ứng dụng trong lĩnh vực cảm biến.

Đó là loại cảm biến có thể phát hiện được dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, các hợp chất hóa học trong thực phẩm, nông sản ở hàm lượng có thể đạt tới mức nhỏ hơn 1/tỷ mol/L (tương đương khoảng 0,001mg hóa chất/kg thực phẩm). Nếu áp dụng vào thực tiễn, nghiên cứu của Nhung sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi tiêu thụ, xuất khẩu, tiến xa hơn nữa là có thể kiểm soát và bảo vệ môi trường, bên cạnh việc đáp ứng được các tiêu chí về tính khoa học.

Nữ sinh say mê nghiên cứu công nghệ nano và các loại vật liệu mới ảnh 1

Ngoài việc học tập và nghiên cứu khoa học, Bùi Hạnh Nhung tích cực tham gia công tác Đoàn Thanh niên.

Không chỉ đề tài nêu trên, hầu như các nghiên cứu của Nhung đều tập trung vào nghiên cứu chế tạo, khai thác các tính chất ưu việt của vật liệu mới và công nghệ nano. Theo cô gái trẻ, các loại vật liệu mới ứng dụng công nghệ nano được ra đời nhằm phát huy tính chất sẵn có và góp phần đưa khoa học tới gần thực tiễn.

Hiện nay công nghệ nano và các loại vật liệu mới không chỉ được ứng dụng trong khoa học, mà còn được phổ biến rộng rãi trong đời sống, như trong các lĩnh vực y tế, xây dựng, cảm biến, kinh tế... Nghiên cứu của Nhung đang góp phần vào sự phát triển khoa học-công nghệ của đất nước và rộng hơn là trên thế giới. Các nghiên cứu này cũng góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, hiện là vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay.

Là một đảng viên, giữ chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường đại học Phenikaa, Hạnh Nhung tham gia rất nhiều hoạt động, phong trào sinh viên tại trường cũng như trên địa bàn thành phố và toàn quốc. Nhung cho biết, tham gia các hoạt động đoàn, hội giúp cô rèn luyện nhiều kỹ năng và trưởng thành hơn, từ đó Nhung mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều trong học tập, nghiên cứu khoa học và có thêm nhiều mối quan hệ xã hội.

Từ các hoạt động tích cực, Nhung mong muốn có thể khuyến khích và lan tỏa niềm đam mê khoa học tới các bạn sinh viên khác. Cô gái trẻ khát khao có những nghiên cứu, đề xuất, thực thi những giải pháp mang tính cộng đồng, từ đó có thể đưa khoa học vào đời sống, phục vụ xã hội.