Nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân ung thư

Với mong muốn san sẻ bớt gánh nặng với những bệnh nhân ung thư, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, 45 tuổi, sửa lại căn nhà ở gần Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và mời họ về ở trọ miễn phí.
Chị Kiều Oanh (bên phải) thăm hỏi người bệnh ở trọ miễn phí tại nhà chị.
Chị Kiều Oanh (bên phải) thăm hỏi người bệnh ở trọ miễn phí tại nhà chị.

Ngày 27/9, vợ chồng anh Màn Văn Hạnh, người dân tộc Thái, 37 tuổi, từ huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La xuống Bệnh viện K cơ sở Tân Triều khám bệnh. Trước khi xuống Hà Nội, vợ chồng anh đọc trên mạng xã hội thấy có phòng trọ miễn phí gần bệnh viện nên gọi vào số điện thoại của chị Kiều Oanh.

Được chủ nhà mời về ở, đôi vợ chồng như trút bớt được gánh nặng tài chính trên vai. Sau khi làm xét nghiệm tại bệnh viện, họ đi bộ về nhà trọ của chị Kiều Oanh, cách đó hơn 800m. Đôi vợ chồng ngạc nhiên vì nhà trọ cao ráo, thoáng đãng, có bình nước nóng lạnh, quạt điện, nhà vệ sinh, chỗ nấu ăn, giường tầng chắc chắn, lại sẵn chăn, gối, mỗi giường đủ chỗ cho hai người nằm nghỉ. “Vợ chồng tôi mừng chảy nước mắt. Tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn rồi”, anh Hạnh chia sẻ.

Vợ anh Hạnh được các bác sĩ Bệnh viện tỉnh Sơn La chẩn đoán mắc ung thư phổi, khuyên xuống Hà Nội điều trị. Trước đó hai tháng, anh Hạnh cũng đã hai lần liền xuống Hà Nội phẫu thuật xương đùi cho con gái 12 tuổi. “Con vừa khỏi ốm lại đến vợ, chúng tôi túng lắm”, anh nói, tay xoa lên trán.

Vợ anh Hạnh làm xét nghiệm hôm 27/9, nhưng gần một tuần sau mới được trả kết quả. Ở lại Hà Nội, anh sợ tốn kém tiền phòng, tiền ăn. Nếu về quê rồi lại quay xuống Hà Nội, anh sẽ tốn thêm tiền xe khách, lại thương vợ mệt. Giữa lúc chưa biết nên ở hay về, anh đọc được thông báo về nhà trọ ở gần bệnh viện. “Không chỉ cho ở miễn phí, chị Oanh còn hướng dẫn chúng tôi cách đi lại, động viên vợ tôi suy nghĩ lạc quan”, anh Hạnh cho biết.

Ở giường đối diện, ông Bùi Văn Minh, 64 tuổi, ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, là một trong những người đến phòng trọ của chị Kiều Oanh sớm nhất. Khi được người nhà mách đến phòng trọ miễn phí gần bệnh viện, ông nửa tin, nửa ngờ. Đến nơi, thấy nhà trọ cao ráo, thoáng đãng, ông Minh xúc động, gọi ngay về khoe với người thân ở quê. “Giữa lúc này, được một người lạ giúp đỡ, tôi thấy ấm lòng lắm”, người đàn ông mắc ung thư phổi chia sẻ. Ở phòng trọ, ông được ăn ngủ, sinh hoạt như ở nhà. Khách đến trọ đều có hoàn cảnh khó khăn nên mọi người đồng cảm, hay trò chuyện giúp ông vơi bớt ưu phiền. Chị Kiều Oanh còn dặn vợ chồng ông Minh và khách trọ khác nhớ đến cổng viện xin cơm từ thiện cho đúng giờ, để đỡ chi phí.

Bảy năm trước, bố chị Kiều Oanh qua đời vì ung thư. Mẹ chị cũng phải cắt một bên thận vào năm ngoái. Thấm cảnh khổ của bệnh nhân ung thư, chị luôn muốn làm gì đó để san sẻ bớt gánh nặng với họ. Vì thế, hai tháng trước, khi chuyển về ngôi nhà số 65, ngõ số 4 Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, gần Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, chị định nấu cơm từ thiện phát cho người bệnh. Nhưng thấy đã có các hội, nhóm thay nhau làm việc đó, trong khi nhiều bệnh nhân và người nhà vật vạ ngủ ngoài trời, chị quyết định sửa sang lại tầng một ngôi nhà làm khu trọ, tầng hai để gia đình sinh hoạt.

Trong không gian rộng khoảng 40 m2, chị kê bốn chiếc giường tầng, mua chăn, gối, sau đó lên mạng xã hội mời mọi người đến ở. “Khi biết tôi mua giường làm nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân ung thư, người bán tặng luôn”, chị Oanh cho biết. Phòng trọ chính thức mở cửa từ ngày 22/9, đón khoảng 15 lượt bệnh nhân đến nghỉ. Có người ở lại 5 ngày, có người ngủ vài đêm hoặc xin nghỉ trưa trong lúc đợi kết quả.

Chị Kiều Oanh cho biết, hoàn cảnh nào tìm đến cũng rất đáng thương, nhưng ấn tượng nhất với chị là người đàn ông dân tộc H’Mông ở Sơn La, bị ung thư vòm họng. Người này kể, suốt ba tháng liền đến bệnh viện điều trị đều phải ngủ ngoài ghế đá để tiết kiệm tiền chữa bệnh.

Có chỗ nghỉ ngơi tiện nghi, lại không mất tiền, anh cứ rối rít cảm ơn, bảo chị Kiều Oanh việc gì anh cũng biết làm, nếu cần, chị cứ nói để anh phụ, như một cách trả ơn. Chị vừa thương, vừa xúc động, bảo nếu cần nhờ gì sẽ trả tiền để anh có chi phí lo điều trị. Ngủ lại nhà trọ hai ngày rồi ra viện. Trước khi về, người này dặn chị đợt sau xuống lại đến xin ở nhờ. “Nhìn thấy nụ cười của mọi người, tôi càng thấy những điều mình làm là đúng”, chị Oanh nói.

Hiện tại, nhà trọ mới sửa sang nên chị Kiều Oanh chỉ có thể mở cho mọi người ở tạm thời trong vài ngày hay có chỗ nghỉ trưa. Sắp tới chị dự định cải tạo không gian sau nhà rộng 30 m2 để đặt thêm 6 giường tầng và khu sinh hoạt chung. “Tôi mong thông tin về nhà trọ của mình được lan tỏa để nhiều người được giúp đỡ trong lúc khó khăn”, chị cho biết.