Dù nằm sâu trong đất liền nhưng Hà Nội vẫn là nơi bão số 3 đi qua. Trước những dự báo diễn biến của cơn bão, mỗi người tự lên kế hoạch riêng để chống bão. Chiều hôm đó, trước khi bão vào, chị Trần Phương Anh (sinh năm 1994) cùng chồng đã lên căn hộ rộng hơn 100 m2 tại phố Nguyễn Tuân để kiểm tra, gia cố lại.
Trên đường trở về, trong cơn gió bắt đầu mạnh dần lên, Phương Anh vô tình nhìn thấy những người vô gia cư đang co ro nơi góc đường. Cô bàn với chồng cho mọi người đến ở căn hộ đang để trống của mình trong những ngày mưa bão. Ngay lập tức cô lên mạng xã hội để đăng bài về nguyện vọng này. Sau đó, một số diễn đàn đã giúp cô lan tỏa thông điệp. "Từ 14 giờ chiều hôm đó, điện thoại của tôi không ngừng đổ chuông. Rất nhiều người đã gọi đến để xin được tá túc. Không chỉ giúp đỡ mọi người có chỗ ở, mua lương thực, thực phẩm, tôi còn chi trả cả tiền taxi để mọi người di chuyển đến căn hộ", Phương Anh chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mọi người, Phương Anh đã bỏ ra khoảng 2,5 triệu đồng để mua các loại thực phẩm. Tuy nhiên do lượng chăn, màn không đủ nên cô đã lên nhóm cư dân để đăng bài nhờ hỗ trợ. Khi những cư dân trong tòa chung cư biết câu chuyện của vợ chồng Phương Anh, mọi người cùng chung tay giúp đỡ.
Người thì mang thêm chăn, thêm chiếu, người thì hỗ trợ thêm đồ ăn, nước uống. Mỗi người một chút, căn nhà hơn 100 m2 đã trở thành nơi tá túc ấm cúng của gần 20 người (gồm người vô gia cư, sinh viên, người lao động... ) vốn ở những khu trọ cũ không an toàn đến trú nhờ.
Không dừng lại ở đó, ngày 9/9, trước những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 gây ra cho người dân ở nhiều khu vực miền núi phía bắc, Phương Anh lại tiếp tục lên mạng kêu gọi mọi người ủng hộ hàng cứu trợ. Ngày 10/9, chuyến xe hàng cứu trợ đầu tiên do cô khởi xướng đã lăn bánh lên Thái Nguyên mang theo hơn 3 tấn hàng gồm các loại áo phao, đồ ăn như cháo đóng hộp, trứng luộc, lương khô, nước lọc…
Liên tiếp sau đó, mỗi ngày, những chuyến xe hàng cứu trợ (từ 3 đến 5 tấn hàng) do Phương Anh đứng ra kêu gọi đều đặn đi đến các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái… Ngày 13/9, chuyến xe hàng cuối cùng được đóng và chuyển đi an toàn. Trong gần một tuần ấy, Phương Anh cùng chồng gần như quên ăn, quên ngủ, chỉ tập trung toàn bộ thời gian và sức lực cho những việc làm thiện nguyện của mình. "Dù vất vả nhưng tôi thấy rất vui vì mình đã làm được một việc ý nghĩa giúp đỡ mọi người. Bản thân tôi cũng là người tu tập nên tôi luôn mong muốn được cho đi và cho được ai thì cứ cho, không toan tính gì cả", Phương Anh vừa đóng hàng, vừa chia sẻ.
Trong những ngày bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều tài khoản cá nhân thông báo dành chỗ ở cho những người đang cần. Rất nhiều người đã bình yên đi qua cơn bão nhờ những tấm lòng hảo tâm như thế.
Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở khu vực ven sông Hồng phải sơ tán do bị ngập sâu, chị Hà Thị Linh (sinh năm 1998, chủ của Bếp chay dưỡng tâm tại đường Lê Văn Lương) đã ủng hộ hơn 300 suất ăn trong hai ngày 11 và 12/9. Trước đó, Linh cũng đã lên mạng xã hội thông báo về việc giúp đỡ chỗ ở để người dân có thể tránh trú trong những ngày mưa bão.
Không chỉ giúp đỡ người dân tại Hà Nội, toàn bộ doanh thu của cửa hàng trong ngày 12 và 13/9 cũng được chị Linh dùng để ủng hộ hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ người dân ở các tỉnh phía bắc khắc phục hậu quả bão lũ. "Em nghĩ rằng mỗi người chỉ cần chung tay đóng góp vừa với sức mình sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để làm cho những khó khăn lớn trở thành nhỏ và khó khăn nhỏ sẽ là không có gì", Hà Thị Linh cho biết.
Bão số 3 đã qua đi, nhịp sống ở Thủ đô đã dần trở lại bình thường. Những câu chuyện cảm động của những người trẻ trong cơn hoạn nạn vẫn tiếp tục được nhắc tới. Có thể là những đóng góp rất lớn lao về vật chất, có thể cũng chỉ giản dị như chai nước, bữa cơm, nhưng tất cả đang góp phần làm nên những câu chuyện nhân văn về những người trẻ đang "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"