Nơi đó không chỉ có nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ, mà cả những giọt nước mắt hạnh phúc của bao cha mẹ khi nghe con mình cất tiếng nói bi bô.
Trong cái nắng vàng hanh hao của những ngày thu, tôi ghé thăm Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý-giáo dục Ngọc Ân tại Khu đô thị An Hưng, quận Hà Đông.
Trong không gian ngăn nắp với những món đồ chơi dành cho trẻ nhỏ, vang lên tiếng cô giáo ân cần chỉ dạy cùng tiếng tập đọc, tập đếm rành mạch của các em nhỏ. Nếu không vào từng lớp học quan sát thì sẽ thật khó để biết toàn bộ 35 em học sinh tại đây đều mắc chứng tự kỷ.
Để có được một môi trường học tập như vậy là hành trình đầy gian nan của chị Hoàn. Bản thân chị cũng là người mẹ có con không may mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Hơn 10 năm trước, người mẹ ấy đã đưa con đi chữa trị khắp nơi, mang hết số tiền mình có để chữa chạy cho con. Từ hành trình gian truân ấy, hơn ai hết chị thấu hiểu một đứa trẻ tự kỷ cần gì.
“Với trẻ tự kỷ, nhà to, xe đẹp các con đâu có cảm nhận được. Thứ duy nhất các con cần chính là tình yêu thương, sự kiên nhẫn dạy bảo của người lớn. Tuy nhiên, trong suốt những ngày tháng đưa con đi chữa trị ở các nơi, tôi thấy vấn đề đó lại ít được chú trọng. Chính vì thế, tôi luôn đau đáu một ước mong sẽ xây được cho con mình một ngôi nhà đặc biệt, là môi trường tinh thần lý tưởng với trẻ tự kỷ”.
Sau những năm dài chuẩn bị đầy đủ cả về vật chất, tinh thần, cuối năm 2020, trung tâm Ngọc Ân đi vào hoạt động ổn định với mục tiêu duy nhất là “thắp sáng ước mơ” cho những người yếu thế trong xã hội.
Ngay sau khi thành lập, trung tâm nhanh chóng trở thành địa chỉ tìm đến của nhiều bậc phụ huynh không may có con bị mắc chứng tự kỷ. Học sinh nhỏ tuổi nhất của trung tâm mới 18 tháng tuổi và lớn tuổi nhất đã 17 tuổi, 18 tuổi.
Nếu với những trường học bình thường, cha mẹ ưu tiên lựa chọn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục thì với những ngôi trường đặc biệt như Ngọc Ân, tiêu chí để cha mẹ chọn lựa lại là sự kiên nhẫn, chân tình, dịu dàng của các thầy, cô giáo.
Đây cũng chính là thế mạnh của trung tâm Ngọc Ân, bởi theo chị Hoàn: “Khi tuyển dụng giáo viên, ưu tiên hàng đầu của trung tâm là chú trọng đạo đức. Ngoài yêu cầu người tuyển dụng đã được đào tạo về các chuyên ngành sư phạm, tâm lý… tôi luôn đề cao tinh thần yêu thương, đức tính nhẫn nại. Chính vì thế, có những người đến với trung tâm dù bằng cấp rất cao nhưng sau một thời gian quan sát cách giao tiếp với trẻ, cách xưng hô không tôn trọng trẻ, tôi đã cho họ thôi việc”.
Tinh thần xây dựng Ngọc Ân trở thành môi trường hạnh phúc cho trẻ tự kỷ đã ngấm vào trái tim của mỗi giáo viên tại đây. Do vậy, hơn 40 giáo viên của 5 cơ sở Ngọc Ân tại các địa phương đều trở thành những người cha, người mẹ, người bạn của các em nhỏ.
Chị Đào Thị Kim Oanh (phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho con theo học tại trung tâm từ khi cháu bé được hơn 2 tuổi. “Con vào học được hơn ba tháng đã bắt đầu bật được các âm a, o…
Mỗi ngày các cô đều quay video ghi lại quá trình con học. Lúc nhận được video con gọi mẹ, hai vợ chồng tôi đã khóc vì hạnh phúc. Giờ đây, lên 5 tuổi, con biết múa hát, líu lo trò chuyện, đếm được từ 1 đến 50...
Nhìn các cô giáo ân cần, nhẫn nại với con từng chút một, tôi rất xúc động và thấy mình may mắn khi đã tìm được đúng ngôi trường cho con” - chị Oanh xúc động chia sẻ.
Không dừng lại ở việc giúp trẻ tự kỷ được can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập, rèn luyện kỹ năng sống, chị Hoàn còn hướng tới việc giảng dạy thực nghiệm hướng nghiệp hướng đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người khuyết tật và tự kỷ.
“Mô hình hỗ trợ thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” được ra đời từ ý tưởng nêu trên. Cụ thể, mô hình hướng dẫn người khuyết tật và trẻ tự kỷ cách đóng gói oản để tạo ra sản phẩm đẹp mắt đưa ra thị trường. Chị Hoàn đã kết nối để đưa những lô hàng đó vào các siêu thị, giúp những người yếu thế vơi bớt mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội.
Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý-giáo dục Ngọc Ân cùng người sáng lập Đào Thanh Hoàn đã nhận được nhiều giải thưởng, vinh dự nhất là danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024. Tuy nhiên, đó chỉ là sự khích lệ với người phụ nữ can đảm luôn hướng tới mục tiêu xây dựng một mái ấm cho những người kém may mắn.