Học sinh Hà Nội giành Huy chương vàng cuộc thi phát minh sáng chế thế giới

Những năm gần đây các sân chơi nghiên cứu khoa học quốc tế ngày càng thu hút học sinh Việt Nam tham gia. Trước đây thường có đánh giá học sinh Việt Nam chỉ giỏi lý thuyết, thiếu thực hành, thì qua các cuộc thi này, học sinh Việt Nam đang chứng minh năng lực nghiên cứu ứng dụng thực tiễn được quốc tế ghi nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Trần Minh Đức và nhóm học sinh đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi Olympic Phát minh sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 tổ chức tại Hàn Quốc.
Thầy giáo Trần Minh Đức và nhóm học sinh đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi Olympic Phát minh sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 tổ chức tại Hàn Quốc.

Mặc dù đã tham gia nhiều cuộc thi nghiên cứu khoa học quốc tế nhưng việc lập một lúc ba giải thưởng lớn gồm Huy chương vàng, Giải Đặc biệt Special Grand và Giải Grand Prize cho đề tài thuộc lĩnh vực khoa học môi trường của nhóm học sinh Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Trường trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại cuộc thi Olympic Phát minh sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 tại Hàn Quốc, vẫn khiến cả thầy và trò cùng thấy vinh dự và bất ngờ.

“Có hơn ba tháng từ lúc định hướng lựa chọn đề tài, đến lúc làm thí nghiệm và hoàn thành đề tài đi dự thi tại Hàn Quốc, cả thầy và trò chỉ xác định sẽ có giải, nhưng không ngờ cuộc thi này đem về cho đội cùng lúc ba giải lớn” - thầy giáo Trần Minh Đức, giáo viên Hóa học Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

Có thể thấy đề tài “Nghiên cứu biến tính vỏ lạc làm vật liệu xử lý kim loại nặng gây ô nhiễm” của nhóm học sinh Hà Nội đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo khi được đánh giá là mới mẻ, sáng tạo, giàu ý nghĩa thiết thực và gắn liền với cuộc sống. Tác giả của đề tài là các em học sinh: Nguyễn Trần Nam Khánh (lớp 12D3), Đỗ Phương Linh (12D1), Nguyễn Tuấn Khôi (12D1) và Tân Thiên Kim (11A4) - Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Cao Đức Minh (12A6) - Trường trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ.

Thầy Trần Minh Đức cho biết, khi có mặt tại cuộc thi, nhóm trưởng Nguyễn Trần Nam Khánh rất lo lắng bởi đội học sinh Iran đã đem đến cuộc thi một sản phẩm công nghệ hiện đại là cánh tay robot, trong khi nhóm học sinh Việt Nam không có sản phẩm cụ thể, chỉ có bản báo cáo thuyết trình về đề án.

Để thuyết phục được Ban giám khảo, đề tài của nhóm học sinh Việt Nam được lựa chọn theo hướng áp dụng công nghệ để xử lý vấn đề môi trường với nguyên liệu gồm những vật liệu sẵn có, thân thiện từ thiên nhiên, là các phế phụ phẩm từ nông nghiệp phổ biến ở Việt Nam, không gây ô nhiễm thứ cấp.

Nói về việc lựa chọn đề tài này, nhóm nghiên cứu cho biết, xuất phát từ sở thích nghiên cứu khoa học và qua một số lần đi giao lưu học hỏi ở nước ngoài theo chương trình hợp tác giáo dục của nhà trường, các em đã có sự so sánh và trăn trở về việc làm sao để môi trường ở Việt Nam ngày càng tốt hơn, sạch hơn và làm cách nào để cải thiện vấn đề ô nhiễm.

Với sự gợi ý của thầy hướng dẫn Trần Minh Đức, nhóm học sinh đã tích cực nghiên cứu tài liệu, thảo luận và từ đó thống nhất chọn vỏ lạc vốn là nguyên liệu có sẵn trong đời sống hằng ngày, có thể triển khai nghiên cứu được theo nhiều hướng như ủ lên men, đốt tạo các-bon hoạt tính; biến đổi cấu trúc để tăng khả năng hấp thụ kim loại…

“Nhiều phụ huynh cũng đã đặt câu hỏi, tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học quốc tế vừa tốn kém, vừa mất công sức, trong khi các con còn phải học tập, hoàn thành chương trình giáo dục và tham gia các kỳ thi như các bạn, thì điều các con được sau những cuộc thi này là gì? Điều lớn nhất các con có được là sự trải nghiệm, nhận thức rõ về công việc của một nhà nghiên cứu khoa học.

Các con được tự mình thực hiện các công đoạn của một đề án khoa học từ việc lên ý tưởng, nghiên cứu tài liệu, lựa chọn đề tài rồi bắt tay vào thí nghiệm. Các con được trải qua khó khăn, khi có những thí nghiệm thất bại tới ba, bốn lần. Chính từ những trải nghiệm này, nhiều học sinh của tôi đã định hướng sớm cho mình công việc tương lai và không ít em đã trở thành những sinh viên nghiên cứu khoa học thực thụ.

Tham gia cuộc thi cũng giúp các con trưởng thành hơn với quá trình làm việc nhóm, giao lưu cùng bạn bè quốc tế và nhất là phải tự mình trả lời các câu hỏi đến từ Ban giám khảo về mọi vấn đề liên quan đến đề tài của nhóm mình”, thầy Trần Minh Đức chia sẻ.

Có thể thấy, định hướng sớm từ trong trường phổ thông với sự hoạt động hiệu quả của mô hình câu lạc bộ khoa học cùng sự đầu tư, gắn kết nhà trường và phụ huynh, việc học sinh Việt Nam sớm được làm quen hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp các em có thể tự chuyển hóa kiến thức học tập trong trường để tìm hướng sáng tạo, ứng dụng thực tế đúng như mục tiêu của đổi mới giáo dục hiện nay.