"Lòng vẫn nhớ về Hà Nội"

Là một người con của Hà Nội, cựu học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam, nhiều năm qua, dù sống và làm việc tại Pháp, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Phương (trong ảnh) vẫn luôn hướng về Thủ đô, mong muốn làm được nhiều điều có ý nghĩa cho quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
"Lòng vẫn nhớ về Hà Nội"

Nguyễn Thụy Phương nhận bằng Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Paris Descartes (Pháp) năm 2013, hiện cô đảm nhận trọng trách Phó Giám đốc Mạng lưới Giáo dục (Edunet), Giám đốc Vietnam Education Symposium, thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global), chuyên gia tư vấn, thẩm định và hợp tác các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Pháp. Thụy Phương luôn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, và Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu cũng như đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp của cô.

Đến nay, Thụy Phương đã xuất bản bốn đầu sách được giới nghiên cứu đánh giá cao, đáng chú ý là hai cuốn sách "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa" và "Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975" đã vinh dự nhận giải Sách Hay 2022 ở hạng mục Phát hiện mới. Đây là những cuốn sách được Thụy Phương thực hiện bằng phương pháp liên ngành lịch sử và xã hội học, thể hiện góc nhìn riêng với những đánh giá sắc sảo, giúp làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử đồng thời chia sẻ những hồi ức của nhiều thế hệ học sinh với bạn đọc một câu chuyện tưởng chừng như rơi vào quên lãng.

Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nguyễn Thụy Phương luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để những thế hệ người Việt Nam ở Pháp - nhất là trẻ có cha hoặc mẹ là người Việt, được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống và biết trân trọng nguồn cội của mình. Để làm được điều này, điều đầu tiên là phải dạy trẻ nói được tiếng Việt. Bởi vậy Thụy Phương cho rằng, việc duy trì tiếng Việt và giúp các con hiểu văn hóa Việt là việc cần thiết thực hiện từ khi các cháu còn nhỏ.

Sau nhiều trăn trở, tháng 1/2014, Nguyễn Thụy Phương đã cùng một người bạn thân từ thời phổ thông trung học của mình là Nguyễn Quỳnh Mai thành lập nên nhóm Cánh Diều tại Pháp với mong muốn thiết lập một môi trường thứ hai cùng với gia đình để trẻ được thực hành tiếng Việt, qua đó góp phần gìn giữ nguồn cội và văn hóa Việt.

Đến nay, nhóm Cánh Diều đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình người Việt Nam tại Pháp. Nhớ lại những ngày đầu lập nhóm Cánh Diều, Thụy Phương cho biết: "Khởi điểm, Mai và tôi chỉ mong muốn mở ra một không gian vui chơi và học tiếng Việt cho chính con cái mình và con cái những người bạn thân thiết. Chúng tôi chọn cái tên "Cánh Diều" vì mong ước rằng các con sẽ là cánh diều, bay cao bay xa, nhưng vẫn có một sợi dây dưới đất níu các con lại, đó chính là nguồn cội, là tiếng Việt và văn hóa Việt".

Duy trì hoạt động của nhóm Cánh Diều, Thụy Phương và nhóm tình nguyện viên luôn thực hiện tiêu chí: Tiếng Việt là công cụ giao tiếp và Cánh Diều là không gian văn hóa. Do đó các em nhỏ đến với Cánh Diều không chỉ được học tiếng Việt mà còn được trải nghiệm các trò chơi văn hóa dân gian cũng như tương tác với những loại hình vận động và nghệ thuật từ đó giúp thẩm thấu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc một cách tự nhiên nhất.

Để rồi khi đưa các bạn nhỏ trở về Việt Nam, tham quan Văn Miếu, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, trải nghiệm văn hóa ở Làng Quan họ Bắc Ninh,... Thụy Phương vô cùng hạnh phúc khi nhận thấy sự hào hứng, say mê của các bạn nhỏ khi được "tắm mình" vào không gian văn hóa-lịch sử nơi quê nhà. Từ đây, chắc chắn các bạn nhỏ sẽ có nhiều kỷ niệm sâu sắc về đất nước Việt Nam, từng bước nuôi dưỡng tình yêu với mảnh đất nơi cha mẹ mình sinh ra và lớn lên. Quê hương Việt Nam sẽ dần trở nên gần gũi trong cảm xúc và nhận thức của các bạn nhỏ.

Còn một điều khiến tôi ấn tượng ở Thụy Phương đó là cô gái Hà thành ấy luôn chú trọng giữ gìn văn hóa Việt ngay tại tổ ấm nhỏ của mình ở ngoại ô Paris. Những bức tranh Đông Hồ bài trí trên tường nhà, những chú chuồn chuồn tre rung rinh đậu trên các đồ vật trong nhà, những ngày lễ, Tết vẫn được cô duy trì trong không khí đầm ấm, với các món ăn thuần Việt. Hằng ngày tiếng Việt vẫn được Thụy Phương dùng để trò chuyện với các con. Mặc dù có thời gian sinh sống và làm việc tại Pháp ngót nghét 20 năm nhưng bản sắc của người Tràng An vẫn luôn toát ra từ phong thái của cô.

Hằng năm, Thụy Phương đều thu xếp trở về Hà Nội, như một câu hát "Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội". Trong những chuyến về thăm quê hương, cô luôn có nhiều hoạt động ý nghĩa, như các buổi tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tận tình cho những người quan tâm đến lĩnh vực mà cô đang thực hiện. Sẽ không quá lời nếu nói rằng những người như Thụy Phương đã góp phần đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế để họ hiểu và yêu hơn mảnh đất hình chữ S.